Thứ năm, 26/09/2024 15:30

Nhiều nguồn gen quý được khai thác và sử dụng bền vững

Ngày 28/09/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình) (Quyết định số 1671/QĐ-TTg). Kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2015-2024 đã góp phần thu thập, lưu giữ, nhập nội, khai thác và phát triển nhiều nguồn gen có giá trị phục vụ đời sống và phát triển sản xuất tại nhiều địa phương trong cả nước.

Với quan điểm, nguồn gen là tài sản quốc gia, là nguồn tài nguyên sinh học để phát triển khoa học, kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh; ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại kết hợp hài hòa với tri thức truyền thống trong bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen; bảo tồn kết hợp với sử dụng bền vững nguồn gen góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường, Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 khai thác và phát triển được hàng trăm nguồn gen có giá trị ứng dụng trong nông nghiệp, y dược, công nghiệp… Tính đến năm 2024, nhiều gen có giá trị đã được đưa vào khai thác và sử dụng bền vững thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình.

Đối với nguồn gen cây trồng nông nghiệp, hoạt động khai thác và sử dụng trực tiếp các nguồn gen bản địa đã đạt đươc nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế ở cả các cơ quan nghiên cứu Trung ương và địa phương.

Hệ thống mạng lưới bảo tồn cây trồng đã khai thác phát triển sản xuất được hàng trăm nguồn gen cây trồng bản địa, địa phương như các giống lúa: tám đa dòng T3, tẻ thơm LT3; giống vừng VĐ11; giống khoai môn sọ KS5, KS4, KM-1, khoai sọ muộn Yên Thế; một số nguồn gen đậu tương; một số giống rau địa phương phục vụ phát triển rau sạch; một số giống hoa, cây cảnh bản địa; giống gừng, riềng; một số giống khoai lang ăn củ và khoai lang ăn lá làm rau dinh dưỡng; mướp đắng; củ từ Bơn Nghệ An, bưởi Quế Dương, bưởi đường Hiệp Thuận, Hồng Yên Thôn, Húng Láng; chuối tiêu vừa Phú Thọ; xoài Vân Du; giống Lạc tiên; giống cà phê chè; quýt - PQ1... các giống cây trồng nêu trên đều có chất lượng và khả năng chống chịu tốt, thích ứng với canh tác ở địa phương.

Bưởi Quế Dương (nguồn: Báo Nông nghiệp).

Thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình đã có hàng chục loài dược liệu có giá trị được thương mại hóa. Nhiều nguồn gen được chọn lọc và đang được phát triển ở quy mô sản xuất và xây dựng vùng trồng quy mô lớn như: đinh lăng ở Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình; khôi ở Lai Châu; bảy lá một hoa ở Lai Châu, Nghệ An; hà thủ ô đỏ ở Hà Giang, Hòa Bình, Nghệ An; sa nhân ở Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Nam; ba kích ở Quảng Ninh, Thanh Hóa; thiên môn đông ở Thanh Hóa; đương quy ở Lào Cai, Lâm Đồng, Hà Giang, Đắk Lắk; giảo cổ lam ở Kon Tum, Hòa Bình; cát cánh ở Lào Cai, Hà Giang; đan sâm ở Lào Cai, Hà Giang, Sơn La... Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân tại nhiều địa phương trên cả nước.

Về nguồn gen vật nuôi, thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhiều nguồn gen bản địa đã được khai thác phục vụ đời sống và sản xuất công nhận như bảo tồn và phát triển cừu Phan Rang, hươu sao, gà H’ Mông, gà Ác, gà Mía, gà Hồ, ngựa bạch, bò H’mong, vịt Kỳ Lừa và Bàu bến ở Lạng Sơn và Hòa Bình… Một số giống đã được đưa vào danh sách bộ giống nhà nước hay địa phương. Một thành tích quan trọng khác của Đề án bảo tồn nguồn gen của nước ta đã tư liệu hoá được rất nhiều giống bản địa, phát hiện được các gien quý cũng như cứu được một số giống có nguy cơ diệt chủng.

Gà Đông Tảo.

Với nguồn gen thủy sản, một trong những đối tượng lưu giữ rất thành công trong việc lai tạo chọn giống đã được thực hiện là cá chép. Thông qua phép lai giữa dòng cá chép Việt (bản địa) với các dòng cá chép vảy/chép trần (nhập nội từ Hungary) và cá chép vàng (Indonesia) đã phát triển được thế hệ con lai có tốc độ sinh trưởng tăng thêm 21%. Đối với cá rô phi. Dòng cá NOVIT4 được đăng ký và cung cấp cho tất cả các tỉnh trong cả nước làm cá bố mẹ để sản xuất giống cung cấp cho nhu cầu nuôi thương phẩm. Ngoài ra, nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen thủy sản đã hỗ trợ cho công tác chọn tạo, phục tráng và phát triển các loài có giá trị kinh tế, bản địa quý hiếm như: nguồn gen cá chép trắng, cá chiên, cá lăng chấm, cá Nheo Mỹ, cá măng, cá ngạnh, cá song vua, cá song da báo; cá dầm xanh, cá anh vũ, cá hỏa, cá vồ cờ, cá hô, cua hoàng đế, hải sâm vú, tôm mũ ni, cá mú cọp, cá mú đỏ...

Với nguồn gen vi sinh vật, nhiều chủng vi sinh vật đã được nghiên cứu, phân lập, tuyển chọn và khai thác sử dụng hiệu quả cả chiều rộng và chiều sâu. Cụ thể, trong nông nghiệp, đã sử dụng các chủng nấm men sinh các chất kích thích sinh trưởng Indole-3-acetic acid và Gibberellic phục vụ sản xuất chế phẩm sinh học, giúp kích thích sinh trưởng và tăng năng suất cây trồng; sử dụng vi sinh vật đối kháng trong phòng trừ bệnh héo xanh ở một số loài cây như cây lạc, vừng, ớt, cà chua…; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công các quy trình công nghệ sản xuất phân vi sinh vật cố định nitơ, phân giải lân cho cây đậu đỗ, phân vi sinh vật chức năng; đã có hơn 30 chủng vinh sinh vật được đăng ký sáng chế, sở hữu trí tuệ về đặc tính probiotics, khả năng sử dụng làm giống khởi động cho các loại thực phẩm lên men, khả năng làm phân bón phòng chống bệnh cây và khả năng xử lý ô nhiễm môi trường...

Với hàng trăm nguồn gen động vật/thực vật và gần 1.000 nguồn gen vi sinh vật được khai thác phục vụ sản xuất và  đời sống trong thời gian qua, trong đó nhiều nguồn gen đã được sản xuất ở quy mô lớn và trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, xã hội của nhiều địa phương trong cả nước.

Công Thường

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)