Nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, đang ngày càng phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sử dụng máy móc thay thế cho sức lao động của con người. Tuy nhiên, máy móc vừa là công cụ hỗ trợ đắc lực vừa là hiểm họa nếu chúng ta không sử dụng đúng cách. Vì vậy, an toàn lao động nói chung, an toàn lao động trong việc sử dụng máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nói riêng, ngày càng được coi trọng. Trong đó, việc sử dụng các thiết bị áp lực xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống: sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, đời sống sinh hoạt... càng cần được quan tâm khi vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không tuân thủ việc kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ. Hơn nữa, các thiết bị áp lực hoạt động trong điều kiện áp suất và nhiệt độ cao nên luôn luôn tiềm ẩn những tai nạn đáng tiếc, không chỉ gây thiệt hại về người mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Quá trình kiểm định kỹ thuật an toàn và tư vấn sẽ giúp phát hiện ra những vấn đề, dấu hiệu bất thường, đánh giá rủi ro để có thể kịp thời đưa ra biện pháp khắc phục, phòng ngừa. Chính vì những lý do nêu trên, công tác kiểm định kỹ thuật an toàn nói chung và kiểm định kỹ thuật an toàn các thiết bị áp lực nói riêng là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết đối với Nhà nước, Chính phủ, các bộ/ngành, doanh nghiệp và tổ chức cá nhân.
Trên cơ sở các quy định của Nhà nước, Chính phủ, bộ/ngành… các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn đã thực hiện việc kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị áp lực trong phạm vi khắp cả nước, tại tất cả các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn và hội nhập quốc tế, nhiều tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn có uy tín, có quy mô hoạt động rộng khắp, từ sớm đã áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng cho các tổ chức giám định phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17020 “ Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu về hoạt động của các tổ chức tiến hành giám định”. Cho đến nay, đã có trên 300 tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn được cấp giấy chứng nhận hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị áp lực.
Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA) được thành lập năm 1995 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN. Ngày 23/07/2009, theo Quyết định số 1101/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, BoA là tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ, thực hiện các hoạt động công nhận cho tổ chức giám định, phòng thí nghiệm, phòng hiệu chuẩn, phòng xét nghiệm y tế, phòng thí nghiệm an toàn sinh học, tổ chức chứng nhận và đánh giá sự phù hợp khác. Với kinh nghiệm đánh giá công nhận trên 25 năm cùng đội ngũ chuyên gia đánh giá chất lượng và đánh giá kỹ thuật có kinh nghiệm, đã triển khai, áp dụng thành công công nhận tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17020 “ Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu về hoạt động của các tổ chức tiến hành giám định”.
Chương trình công nhận Tổ chức giám định VIAS của Văn phòng Công nhận Chất lượng đã triển khai từ năm 2000, với chuẩn mực công nhận là tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17020. Hiện nay, nhiều tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị áp lực hàng đầu của Việt Nam thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã được Văn phòng Công nhận Chất lượng công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO/IEC 17020.
Ngay từ khi có Luật An toàn vệ sinh lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 05/05/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động trong đó có quy định về kiểm định kỹ thuật an toàn. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với vai trò quản lý nhà nước về an toàn lao động đã ban hành thông tư 36/2019/TT-LĐTBXH ngày 30/12/2019 về danh mục các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong đó có các thiết bị áp lực như: nồi hơi, hệ thống lạnh, bình áp lực, chai… cùng với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các bộ ngành khác như Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải… đã lần lượt xây dựng và ban hành các quy chuẩn quốc gia, các quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với từng loại thiết bị theo lĩnh vực quản lý ngành của mình như: nồi hơi, bình áp lực, hệ thống lạnh… Bộ KH&CN cũng đã sớm ban hành và thường xuyên sửa đổi, cập nhật các Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đối với các loại thiết bị áp lực nêu trên.
Để hoạt động công nhận tạo thuận lợi cho các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị áp lực tại Việt Nam được thừa nhận năng lực trong khu vực, trên thế giới, đồng thời có được sự tin cậy của cơ quan quản lý chuyên ngành, Chương trình công nhận tổ chức giám định VIAS xác định tính cấp thiết phải xây dựng văn bản yêu cầu riêng, bổ sung các quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành tại Việt Nam cho các điều khoản tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17020 về năng lực tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị áp lực.
Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, phân tích các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn’’ tại Văn phòng Công nhận Chất lượng, ngày 28/02/2024.
Triển khai đánh giá công nhận Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kiểm định Dầu khí Việt Nam PV- TSR.
Thực tế cho thấy, hệ thống các quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị áp lực của các bộ quản lý chuyên ngành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên một số quy trình kiểm định được xây dựng khá phức tạp, viện dẫn các chỉ tiêu thông số đánh giá từ các quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa khả thi khi áp dụng thực tế tại hiện trường. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong quá trình đánh giá công nhận của các chuyên gia đánh giá chất lượng, cũng như chuyên gia đánh giá kỹ thuật của Văn phòng Công nhận Chất lượng. Chương trình công nhận tổ chức giám định VIAS đã nghiên cứu và xây dựng hệ thống tài liệu, bao gồm yêu cầu bổ sung và các biểu mẫu riêng cho hoạt động đánh giá công nhận các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị áp lực.
Hệ thống tài liệu đánh giá công nhận tổ chức kiểm định an toàn thiết bị áp lực đã viện dẫn quy định trong các văn bản pháp quy, các nghị định, thông tư, quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam liên quan về các vấn đề như: i) mức độ độc lập của tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn; ii) yêu cầu pháp lý của tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn; iii) yêu cầu năng lực của kiểm định viên; iv) phương pháp, quy trình và hướng dẫn kiểm định kỹ thuật an toàn; v) thiết bị, dụng cụ kiểm định kỹ thuật an toàn; vi) liên kết chuẩn đo lường.
Hệ thống tài liệu áp dụng riêng về đánh giá công nhận tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị áp lực sẽ tạo sự thuận lợi cho hoạt động công nhận của Văn phòng Công nhận Chất lượng, hài hòa giữa chuẩn mực quốc tế ISO/IEC 17020, quy định của Hiệp hội công nhận quốc tế ILAC/IAF về công nhận tổ chức giám định với các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quản lý chuyên ngành Việt Nam và thực tế hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn của các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn; đảm bảo tính nhất quán trong hoạt động đánh giá công nhận. Qua đó, chất lượng đánh giá công nhận tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị áp lực của Văn phòng Công nhận Chất lượng được nâng cao, tạo sự tin tưởng kết quả công nhận của các cơ quan quản lý chuyên ngành.