Thứ năm, 01/08/2024 16:35

Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp

Để nhận diện các thách thức về khía cạnh xã hội, đạo đức về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực để tiến tới thảo luận và xây dựng bộ nguyên tắc về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong tương lai, ngày 31/7/2024, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp”. Đây là toạ đàm thứ ba trong chuỗi các hoạt động khoa học về thực trạng ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam trong các lĩnh vực điển hình như giáo dục, y tế, nông nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trình bày tổng quan về trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và nhận diện những thách thức về đạo đức, xã hội. Bà đã nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt với việc tạo dựng nền nông nghiệp chính xác; hỗ trợ quản lý hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực… Với trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp chính xác, việc tùy chỉnh việc sử dụng tài nguyên và từ đó tăng năng suất, các rào cản đối với an ninh lương thực ở các nước đang phát triển có thể được vượt qua. Các dịch vụ hỗ trợ trí tuệ nhân tạo có thể giảm căng thẳng về môi trường, giảm lãng phí thực phẩm và cải thiện trí thông minh thông tin của nông dân để theo dõi dữ liệu và đạt được kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp cũng tạo nên các thách thức lớn về về đạo đức, xã hội liên quan đến đảm bảo đảm công bằng, bình đẳng trong cơ hội tiếp cận công nghệ, bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, thu hẹp khoảng cách số… Việc sử dụng tối đa trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp chỉ có thể đạt được thông qua nỗ lực chung hướng tới nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này có trách nhiệm. Theo đó, các nhà nghiên cứu phải phát triển các công cụ trí tuệ nhân tạo thân thiện với người dùng và tiết kiệm chi phí để nông dân có thể tiếp cận ở bất kỳ quy mô sản xuất nào. Các bên liên quan phải xây dựng chính sách bảo đảm an ninh dữ liệu và bảo vệ nông dân khi ứng dụng công nghệ này.

Ông Đặng Duy Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về thực trạng và định hướng phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Ông Hiển đã nêu rõ công nghệ thông tin, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo đã và đang được ứng dụng tương đối rộng rãi trong “chuỗi giá trị sản xuất ngành hàng nông nghiệp” ở Việt Nam từ chuẩn bị (khuyến nông), đến phát triển các giống cây trồng mới, áp dụng máy bay không người lái trong chăm sóc, quản lý sâu bệnh, tối ưu hoá thời gian thu hoạch...

Trong khuôn khổ của Tọa đàm, một số nhà khoa học cho rằng, để nông nghiệp phát triển bền vững, là “trụ cột” của nền kinh tế thì phải dựa trên khoa học, công nghệ, trong đó chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo là giải pháp không thể thay thế. Vấn đề là sử dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo một cách minh bạch, công bằng; bảo đảm nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực ở cơ sở…

VH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)