Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Học viện đã hoàn thành tốt công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước về cả số lượng và chất lượng của từng nhiệm vụ, trong đó phải kể đến sự chủ động, tích cực triển khai Chương trình KX.02 để phục vụ trực tiếp cho Đại hội XIV của Đảng.
Tính từ 05/2023-05/2024 đã có 16 báo cáo kiến nghị được Học viện gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan có liên quan, 8 báo cáo chuyên đề gửi Hội đồng Lý luận Trung ương và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phục vụ tổng kết 40 năm đổi mới. Đầu năm 2024, Giám đốc đã đặt hàng xây dựng các báo cáo kiến nghị đợt 1, cùng với báo cáo kiến nghị của các đề tài nhánh thuộc Chương trình: “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới (giai đoạn từ năm 1986 đến nay, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045)”, mã số KX.02 sẽ được thẩm định, lựa chọn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng vào cuối tháng 05/2024.
PGS.TS Nguyễn Duy Bắc- Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện cho biết, thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, Đảng ta đã không ngừng tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận để từng bước xây dựng và tích lũy sự hiểu biết, tri thức mới về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, các nhà khoa học của Học viện đã đóng góp một phần vào quá trình phát triển nhận thức này.
Trong thời gian tới, hoạt động khoa học của Học viện cần tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học lý luận chính trị, góp phần vào kiên định, kiên trì củng cố và phát triển nền tảng lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình thực tiễn sinh động của đất nước và thế giới. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khoa học nhằm dự báo tình hình sát với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn, tổng kết toàn diện, hệ thống hóa lý luận về đường lối đổi mới sau 40 năm triển khai thực hiện để bổ sung vào kho tàng lý luận của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa Xã hội. Cụ thể:
Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới (giai đoạn 1986 đến nay, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045” (Mã số: KX.02/21-25) để có những đóng góp thiết thực vào quá trình chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, trong đó tập trung xây dựng báo cáo kiến nghị hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới.
Thực hiện Chương trình Biên dịch tuyển tập các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra 5 thứ tiếng nước ngoài; Chương trình biên soạn sách phổ thông giai đoạn 2020-2025 để tăng cường tuyên truyền, phổ biến Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối đổi mới của Đảng tới quảng đại quần chúng nhân dân. Các Chương trình cấp Bộ, cấp Bộ trọng điểm bám sát định hướng về nội dung tổng kết 40 năm đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước…
Từ nay đến năm 2030, các nhà khoa học của Học viện cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ khoa học có tính chiến lược như: Tổng kết toàn diện 100 năm (1930-2030) Lý luận của Đảng về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; Tổng kết 80 năm (1945-2025) thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; Tổng kết 40 năm (1991-2031) thực hiện Cương lĩnh 1991 và 20 năm (2011-2031) thực hiện Cương lĩnh 2011 của Đảng.
Tiếp tục thực hiện tốt việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thông qua các hoạt động chuyên môn, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và công tác tuyên truyền, nhất là trong thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu các cấp, các cuộc tọa đàm, hội thảo các cấp cũng như sử dụng kết quả nghiên cứu để tham gia cuộc thi chính luận lần thứ tư, năm 2024 và trực tiếp tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đặc biệt là trên không gian mạng.
Để thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trên, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc đề nghị công tác quản lý hoạt động khoa học của Học viện cần được đổi mới về thể chế, đảm bảo tính hệ thống của công tác quản lý, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền gắn liền với tăng cường kiểm tra, giám sát; dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương. Tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn và đơn vị quản lý, đổi mới hình thức kết nối, chia sẻ kết quả nghiên cứu chung.
Mạnh Thắng