Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp sự kiện này được diễn ra, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, đồng thời truyền tải thông điệp của Ngày chuyển đổi số quốc gia là “Chuyển đổi số một cách tổng thể, xuyên suốt, toàn diện, bao trùm, liên thông nhưng có trọng tâm, trọng điểm; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc và cho chính người dân, doanh nghiệp là yếu tố quyết định bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số quốc gia”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại chương trình.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và đã trở thành phong trào, là xu thế đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên thế giới. Nhiều văn kiện và Nghị quyết của Đảng đã đề cập sâu sắc về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược; xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thủ tướng khẳng định, cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, phát biểu khai mạc sự kiện.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam muốn trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì bắt buộc phải chuyển đổi số. Chuyển đổi số là phát triển nhanh vì tạo ra kinh tế số, có tốc độ tăng trưởng cao gấp 3-4 lần. Chuyển đổi số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên hơn và sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. Chuyển đổi số làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế, vì môi trường số không có khoảng cách. Chuyển đổi số là phát triển bao trùm, vì bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu nếu có sóng di động và điện thoại thông minh thì đều có thể tiếp cận được mọi dịch vụ số, không ai bị bỏ lại phía sau.
Năm nay là năm thứ tư thực hiện chuyển đổi số, trong đó, năm 2020 là năm khởi động của chuyển đổi số quốc gia, là năm nhận thức về chuyển đổi số; năm 2021, là năm tổng diễn tập chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh đại dịch; năm 2022, là năm hành động, xác định chuyển đổi số là phương thức phát triển mới; năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, tạo ra giá trị mới từ những dữ liệu, tạo ra những kết quả thiết thực với việc áp dụng, sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI để giải các bài toán cụ thể của Việt Nam.
Mai Văn Thủy