Thứ ba, 20/06/2023 16:31

Rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhờ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) năm 2023, ngày 14/06/2023, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới”.

Hội thảo tập trung vào một số nội dung: phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; chuyển đổi số trong sản xuất; ứng dụng IoT trong tối ưu sản xuất; công nghệ 4.0 trong sản xuất, thúc đẩy nâng cao giá trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với giải pháp Make in Vietnam; giải pháp quản lý và điều hành sản xuất thông minh thế hệ mới...

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng Make in Vietnam”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn dẫn dự báo của Tập đoàn Ericsson cho biết, vào năm 2025 khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thu hút 2/3 nhà sản xuất toàn cầu, trong đó dẫn đầu thuộc về các ngành sản xuất thông minh. Hiện tại, 7 quốc gia trong khu vực gồm Australia, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore và Thái Lan đã triển khai sản xuất những thiết bị công nghệ thông minh 5G. Việt Nam cũng được Ericsson đánh giá là điểm đến hấp dẫn với doanh thu từ công nghiệp 5G ước đạt 1,54 tỷ USD vào năm 2030. Trong báo cáo công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số của UNIDO, Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số, trong số 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi CMCN 4.0. Nhập khẩu thiết bị, công nghệ số của Việt Nam đứng thứ 15, xuất khẩu công nghệ đứng thứ 46 và hoạt động sáng chế đứng thứ 48 trong số 150 nền kinh tế.

Mặc dù vậy, hiện nay trong công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, 70% sản phẩm được tạo ra sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản xuất đắp lớp 3D. Chỉ một phần nhỏ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu - triểu khai (R&D) trong các ngành sản xuất còn rất thấp...

Hội thảo chính là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận về một số vấn đề như thúc đẩy chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng "Make in Viet Nam"; đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam; phát triển, làm chủ công nghệ sản xuất, đẩy mạnh R&D... Trên cơ sở đó, có những đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam...

Hội thảo đã có phiên thảo luận mở về nâng cao năng lực sản xuất thông minh, phát triển ngành công nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của cả hệ thống chính trị và xã hội về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới. Cũng tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu các giải pháp công nghệ và triển lãm các công nghệ mới nhằm mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hà My

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)