Thứ năm, 15/06/2023 08:20

Các nhà khoa học đánh giá cao truyền thống lịch sử và những kết quả đạt được của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Để chào mừng 65 năm ngày ra số đầu tiên (06/1959-06/2023), 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925-21/06/2023), ngày 14/06/2023, Tạp chí Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã tổ chức Họp Hội đồng biên tập và gặp mặt các nhà khoa học. Chủ trì sự kiện có PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; GS.VS Châu Văn Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí KH&CN Việt Nam bản A, B, C; TS Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ KH&CN; GS.TS Đặng Nguyên Anh - nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí KH&CN Việt Nam bản D.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Đặc biệt, tham dự sự kiện có gần 50 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau là thành viên Hội đồng biên tập, cộng tác viên thân thiết của Tạp chí. Đây là dịp để Tạp chí KH&CN Việt Nam tri ân các nhà khoa học đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của Tạp chí thời gian qua; đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp để phát triển Tạp chí KH&CN Việt Nam trở thành tạp chí hàng đầu trong nước, hướng tới đạt chuẩn quốc tế.

Tạp chí KH&CN Việt Nam ra đời tháng 06/1959, sau 3 tháng thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ KH&CN) với tên gọi Tin tức Hoạt động Khoa học; năm 1971 được đổi tên thành Tạp chí Hoạt động Khoa học và năm 2013 chính thức đổi tên thành Tạp chí KH&CN Việt Nam. Trải qua 64 năm xây dựng và phát triển, đến nay Tạp chí đã có 5 bản (A, B, C, D, điện tử) vừa thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; vừa thực hiện nhiệm vụ công bố các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao truyền thống và những kết quả đạt được của Tạp chí trong thời gian qua, đặc biệt, đã trở thành tạp chí uy tín của quốc gia và khu vực, làm tốt vai trò là cơ quan ngôn luận, lý luận của Bộ KH&CN, thực hiện nhiệm vụ công bố các kết quả khoa học của Việt Nam. Theo Bộ trưởng, việc Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam xuất bản thêm các ấn phẩm bằng tiếng Anh cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của một tạp chí đa ngành, liên ngành; thể hiện sự quyết tâm hội nhập quốc tế. Bộ trưởng kỳ vọng, Tạp chí sớm được tham gia vào cơ sở dữ liệu khoa học uy tín của thế giới như Web of Science, Scopus, góp phần nâng cao trình độ và hội nhập quốc tế về KH&CN của Việt Nam.

Gần 50 nhà khoa học là thành viên Hội đồng biên tập, các nhà khoa học có đóng góp, cộng tác tích cực với Tạp chí tham dự sự kiện.

Trao đổi, thảo luận về về sự phát triển của tạp chí khoa học Việt Nam nói chung, Tạp chí KH&CN Việt Nam nói riêng, các nhà khoa học đều đánh giá cao truyền thống lịch sử và những kết quả đạt được của Tạp chí trong thời gian qua; chỉ ra nghịch lý hiện nay của tạp chí khoa học Việt Nam là công bố quốc tế nhiều nhưng lại ít tạp chí đạt chuẩn quốc tế; nêu lên kinh nghiệm hội nhập quốc tế của một số tạp chí khoa học trong nước; đưa ra những điều kiện tiên quyết để được vào các cơ sở dữ liệu của Web of Science, Scopus…

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Tạp chí KH&CN Việt Nam bản D, GS.TS Đặng Nguyên Anh cho rằng, cũng như nhiều tạp chí khoa học xã hội và nhân văn khác, với sự đặc thù nhất định so với lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, Tạp chí KH&CN Việt Nam bản D gặp không ít khó khăn như: số lượng bài gửi đến bằng tiếng Anh còn ít, tỷ lệ loại cao, khó khăn trong việc mời chuyên gia phản biện… Để khắc phục những khó khăn này, hướng tới mục tiêu đạt chuẩn khu vực và quốc tế, GS Đặng Nguyên Anh mong muốn và kỳ vọng rằng, Tạp chí sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ của Lãnh đạo Bộ KH&CN; sự cộng tác tích cực hơn nữa của các nhà khoa học trong việc gửi bài/giới thiệu các tác giả gửi bài, phản biện/giới thiệu chuyên gia phản biện, đóng góp ý kiến để hoàn thiện Tạp chí; tập thể Lãnh đạo, biên tập viên của Tạp chí tiếp tục nỗ lực, kiên trì với mục tiêu đặt ra, sớm đưa Tạp chí bản D vào cơ sở dữ liệu của ACI và Scopus.

GS.VS Châu Văn Minh (bên trái) mời các nhà khoa học đóng góp ý kiến để phát triển Tạp chí.

Phát biểu kết luận sự kiện, GS.VS Châu Văn Minh bày tỏ niềm tự hào về những thành tựu mà Tạp chí đã đạt được trong thời gian qua. Mặc dù vậy, sẽ còn nhiều thách thức phải vượt qua trong thời gian tới. Để bắt kịp xu thế và đạt được những mục tiêu xa hơn là có mặt trong các cơ sở dữ liệu uy tín của thế giới như Scopus, Web of Science, theo GS Châu Văn Minh, Tạp chí cần quan tâm tới một số vấn đề sau: i) đảm bảo chất lượng của các bài báo - yếu tố quan trọng nhất để hội nhập quốc tế; ii) quy trình biên tập đảm bảo tính công bằng, minh bạch và chuyên nghiệp; iii) mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức và cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế; iv) đẩy mạnh việc tham gia vào các hoạt động hội thảo, hội nghị và sự kiện chuyên ngành, từ đó tạo cơ hội để giao lưu, học hỏi và liên kết với các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu uy tín, xây dựng được mạng lưới quan hệ chặt chẽ, tăng cường sự nhận diện của tạp chí; v) cần xây một kế hoạch chiến lược dài hạn để đảm bảo sự ổn định về tài chính, sự phát triển nhân lực và sự đổi mới liên tục để đáp ứng những thay đổi trong lĩnh vực xuất bản và nhu cầu của cộng đồng nghiên cứu. GS Châu Văn Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thành viên trong Hội đồng biên tập của Tạp chí. “Sự đóng góp, kiến thức và kinh nghiệm của các nhà khoa học là rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Tạp chí. Tôi tin rằng, với sự nỗ lực và tinh thần hợp tác, chúng ta sẽ đạt được những thành tựu mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Tạp chí cũng như cộng đồng nghiên cứu trong nước và thế giới” - GS Châu Văn Minh khẳng định.

VVH

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)