Thứ tư, 11/01/2023 15:31

Đẩy mạnh cải cách thể chế phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam theo hướng bền vững

Trong khuôn khổ Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh do Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức tài trợ, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn nghiên cứu “Đẩy mạnh cải cách thể chế phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) Việt Nam theo hướng bền vững” vào ngày 10/01/2023. TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM và ông Dennis Quennet - Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh đồng chủ trì hội thảo.

TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM và ông Dennis Quennet - Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/tăng trưởng xanh đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: “Khu vực KTTN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đối với tăng trưởng, đầu tư, tạo việc làm và thu nhập. Việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng đã được Chính phủ làm rất quyết liệt với việc ban hành rất nhiều chương trình, thể chế cải thiện môi trường kinh doanh và loại bỏ những định kiến đối với KTTN. Theo đó, khu vực KTTN đã phát triển hết sức mạnh mẽ, đặc biệt là những tập đoàn KTTN đã góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế và hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh. Tuy nhiên, nền KTTN lớn về số lượng nhưng chất lượng còn có những hạn chế. Xét về khía cạnh phát triển bền vững, vẫn còn khá nhiều vấn đề đặt ra, nhất là những vấn đề liên quan tới trách nhiệm xã hội và môi trường. Hơn nữa, những quyết định mang tính toàn cầu và khả năng thích ứng linh hoạt của nhiều chủ thể tư nhân còn nhiều hạn chế. Một nền kinh tế thịnh vượng, ngoài khía cạnh bền vững về kinh tế phải gắn liền với sự bền vững về môi trường. Thời gian gần đây, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách liên quan tới phát triển bền vững, như Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030, Đề án Phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đến năm 2030… Qua việc triển khai các quy định, thể chế và quan sát trên thực tiễn, CIEM thấy rằng khu vực này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hoá và thực thi các quy định liên quan tới phát triển bền vững. Để khu vực KTTN có điều kiện thực hiện tốt các nội dung về phát triển bền vững thì phải đẩy mạnh cải cách thể chế để khu vực này phát triển theo hướng bền vững, cũng như có sự đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới”.

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của CIEM trình bày báo cáo cho thấy: KTTN Việt Nam có những dấu mốc phát triển rất quan trọng và đạt  được kết quả đáng ghi nhận. KTTN phát triển về quy mô, hiệu quả hoạt động, số lượng và có đóng góp cho nền kinh tế như: GDP, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, thu nội địa. KTTN tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, KTTN có những đóng góp tích cực vào hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ đảm bảo anh sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ đồng thời trách nhiệm xã hội về môi trường được doanh nghiệp khu vực KTTN quan tâm. Đặc biệt, nền KTTN đã có khả năng thích ứng linh hoạt trước các bất định như dịch Covid -19, trước hội nhập quốc tế và trước những yêu cầu mới. 

Để KTTN phát triển bền vững, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư tư nhân, thúc đẩy các chủ thể KTTN hình thành và phát triển; hoàn thiện thể chế, thúc đẩy “chính thức hóa” hộ kinh doanh để phát triển bền vững; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy KTTN phát triển bền vững, gắn với trách nhiệm xã hội và môi trường; tiếp tục đổi mới tư duy điều hành, cải cách  giúp khu vực tư nhân vượt qua các bất định; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển KTTN thích ứng và tận dụng được các cơ hội từ hội nhập quốc tế; cải cách thể chế phát triển KTTN gắn với CMCN 4.0 và kinh tế số; đổi mới quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực quản lý đối với khu vực KTTN.

VVH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)