KHCN&ĐMST góp phần tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Với quan điểm phát triển KHCN&ĐMST không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều khu vực, trong đó có khu vực tư nhân, Bắc Giang đã coi trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), phát huy kỹ năng và tính năng động sẵn có của khu vực tư nhân, hướng đến phát triển doanh nghiệp KH&CN, lan tỏa yếu tố KH&CN trong toàn xã hội. Từ quan điểm này, Bắc Giang đã ban hành các chính sách mang tính chiến lược là thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên chấp thuận đối với các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp có hàm lượng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, tỉnh Bắc Giang đã và đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn. Những kết quả đó là tiền đề để KH&CN tỉnh tạo nên những bứt phá mới trong những năm qua và các năm tiếp theo.
Trong những năm qua, tỉnh luôn ưu tiên, tập trung nguồn lực cho phát triển KH&CN; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển KH&CN; gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động KH&CN, tập trung vào các lĩnh vực: thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN (phát huy vai trò Sàn giao dịch công nghệ ảo để tạo điểm đến giao dịch công nghệ, đồng thời là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ) và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng kết hợp ứng dụng tiến bộ KH&CN với đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm, phát huy tối đa thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).
Đoàn công tác của Bộ KH&CN do đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN dẫn đầu tới làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang (17/03/2022).
Với quan điểm và sự nỗ lực nêu trên, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, đến nay Bắc Giang nằm trong nhóm các tỉnh/thành phố có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước, là điểm sáng và là một trong những địa phương có sức hấp dẫn nhất về thu hút đầu tư. Giai đoạn 5 năm (2016-2020), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 14%/năm. Trong đó, ngành nông nghiệp tỉnh duy trì vị trí đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả tích cực. Các chỉ số đánh giá cấp tỉnh đều được cải thiện mạnh mẽ, nhiều chỉ số quan trọng nằm trong tốp đầu cả nước: chỉ số hiện đại hóa nền hành chính đứng thứ 1, chỉ số chính quyền số đứng thứ 7, kinh tế số đứng thứ 14... Các ngành kinh tế từng bước được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Nhờ đó, vị thế của tỉnh ngày càng được nâng cao.
Trong hoạt động quản lý nhà nước đối với KHCN&ĐMST của Bắc Giang, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và ứng dụng tiến bộ KH&CN được ban hành đã và đang phát huy hiệu quả như: phát triển công nghiệp, nông nghiệp, chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường KH&CN; tăng cường hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Những chính sách này đã góp phần tạo điều kiện cho KH&CN của tỉnh đổi mới mạnh mẽ và ngày càng hiệu quả, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; gia tăng giá trị cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh.
Sản xuất công nghiệp của Bắc Giang trong thời gian qua đã có bước phát triển vượt bậc, tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao như: Apple Watch, máy bay không người lái, một số sản phẩm điện tử, máy tính và phụ kiện, sản phẩm quang học, pin năng lượng mặt trời... Đây là những sản phẩm công nghệ cao, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; là những sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất, thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp công nghệ cao.
Trong sản xuất nông nghiệp, đã quan tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, phát triển nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Hiện nay, Bắc Giang đã xây dựng được 766 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra chuỗi giá trị như: vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế, vùng chăn nuôi và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên, đang hình thành vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (quy mô gần 50.000 ha, trong đó Lục Ngạn là nòng cốt với sản phẩm chủ lực vải thiều, cam, bưởi, ổi, táo… được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP).
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương giới thiệu với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại Hội nghị Sở hữu trí tuệ toàn quốc năm 2022.
Một trong những chủ trương lớn của tỉnh là phát triển sản phẩm chủ lực thông qua việc tạo lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp. Bắc Giang hiện đang đứng trong tốp đầu cả nước về bảo hộ các quyền về sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng của tỉnh như: gà đồi Yên Thế, rau Yên Dũng, na dai Lục Nam, bưởi Hiệp Hòa, vú sữa Tân Yên... Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ, cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Bài học kinh nghiệm và định hướng trọng tâm
Đạt được những kết quả nêu trên, bài học kinh nghiệm của Bắc Giang là: 1) Sở KH&CN đã chú trọng công tác tham mưu ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách, văn bản quản lý, bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ KH&CN, của tỉnh để nghiên cứu, quán triệt, tổ chức triển khai; 2) Tỉnh đã huy động, lồng ghép tối đa nguồn lực, đa dạng các hình thức hỗ trợ, thu hút nguồn lực đầu tư cho KH&CN và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và kinh phí xã hội hóa; 3) phát huy tính năng động, sáng tạo, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá hiệu quả hoạt động KH&CN tại đơn vị; 4) Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân, cơ quan chủ trì, cơ quan chuyển giao trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như nghiên cứu - ứng dụng tiến bộ KH&CN; 5) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực KH&CN; 6) Tăng cường tuyên truyền về các kết quả đạt được, những sáng kiến, cách làm hay, mô hình hiệu quả trong lĩnh vực KH&CN trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân tiếp cận nhanh nhất các thành tựu KH&CN.
Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch xác định: “Phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt, dựa chủ yếu vào KHCN&ĐMST, đưa khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng”. Để đạt được mục tiêu “trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc” như Quy hoạch đặt ra, ngành KH&CN tỉnh chú trọng phát triển theo 2 định hướng trọng tâm: 1) Phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử, chính quyền số trong việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân (ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và thành tựu của CMCN 4.0, xây dựng cơ sở dữ liệu số ngành KH&CN, đáp ứng yêu cầu toàn bộ dữ liệu phải được số hóa, quản lý và khai thác trực tuyến); 2) Tập trung mọi nguồn lực cho phát triển KH&CN (tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương và nguồn hỗ trợ vốn, công nghệ của nước ngoài; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển KH&CN).
*Quyết định số 219/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/02/2022 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.