Bà Mai Thị Thủy - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Mai Thị Thủy - Chủ tịch Hiệp hội SMEs do phụ nữ làm chủ cho rằng, SMEs tạo ra 60-80% tổng số việc làm tại ASEAN. Số liệu này cho thấy tầm quan trọng của các SMEs với tư cách là các tác nhân kinh tế của 10 nền kinh tế ASEAN. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các SMEs trong ASEAN đang phải đối mặt với những hạn chế về tài chính, chẳng hạn như khả năng tiếp cận vốn, đầu tư và nguồn lực.
Theo nghiên cứu về SMEs của Viện nghiên cứu Kinh tế khu vực Đông Nam Á và Đông Á, các SMEs do phụ nữ làm chủ là chìa khóa để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế toàn diện trên toàn ASEAN do đây là một cơ hội lớn và chưa được khai thác. Phụ nữ ASEAN cần được tiếp cận với các kỹ năng, được đào tạo và nâng cao năng lực để tham gia vào chuỗi giá trị khu vực khu vực. Do vậy, chính phủ các nước ASEAN cần phải xây dựng các chính sách để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của các SMEs do phụ nữ làm chủ. Trong khuôn khổ Hội thảo, với sự tham gia của đại diện Chính phủ các nước ASEAN trực tiếp làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện các Hiệp hội SMEs Việt Nam, các Tổ chức xúc tiến xuất khẩu, Hội thảo đã thảo luận và đưa ra nhiều sáng kiến, khuyến nghị khả thi về cách thức hỗ trợ SMEs do phụ nữ làm chủ thúc đẩy xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị khu vực. Kết quả Hội thảo sẽ được báo cáo lên các diễn đàn liên quan của ASEAN.
Hội thảo nhằm cung cấp kiến thức cho các SMEs do phụ nữ làm chủ để nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, đây cũng là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tốt giữa các SMEs do phụ nữ làm chủ, Hiệp hội các SMEs và các tổ chức hỗ trợ trong việc xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế. Hội thảo cũng sẽ khuyến nghị chính sách cho ASEAN nhằm nâng cao năng lực của các thị trường SMEs xuất khẩu do phụ nữ làm chủ tham gia vào chuỗi dịch vụ toàn cầu.
BL