Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) và đã mang lại những thay đổi lớn trong xã hội, đặc biệt là trong kinh tế và khoa học ứng dụng. Tuy nhiên, bên cạnh việc tận dụng hiệu quả các thành tựu phát triển của AI và tự động hóa, các quốc gia trên thế giới đã và đang đối mặt với những thách thức do AI mang lại, đặc biệt từ góc nhìn đạo đức, nhân văn. Có thể nhận thất rằng, AI đang xóa mờ ranh giới giữa các yếu tố vật chất, kỹ thuật số và sinh học. Sự phát triển mạnh mẽ của nó diễn ra rất nhanh, từng ngày, từng giờ, mang lại những lợi ích vô cùng to lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, sức khỏe, tài chính ngân hàng cho đến khoa học, giáo dục và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Đặng Nguyên Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (KHXH) Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Trưởng Tiểu ban Khoa học xã hội cho biết, trong nhiều năm qua Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành hữu quan, trong đó có Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Tiểu ban UNESCO về KHXH với mục địch tăng cường vai trò tư vấn việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Thông qua các hội nghị, hội thảo, kết quả nghiên cứu được chuyển tải đến các nhà quản lý, giới hoạch định chính sách, chia sẻ với công chúng và tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước. Đây là một trong những chức năng quan trọng gắn kết mật thiết với các nhiệm vụ mà Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Tiểu ban UNESCO về KHXH đã và đang thực hiện.
GS Đặng Nguyên Anh khẳng định, vẫn còn nhiều vấn đề về AI mà chúng ta chưa hiểu rõ, chưa thống nhất và khó có thể khẳng định hay lường trước được tác động xã hội, cũng như những tác động đến phạm trù đạo đức trong ứng dụng AI? Trên thực tế, AI có thể dẫn đến gia tăng bất bình đẳng xã hội, tạo nên một thị trường lao động chia tách, phân mảnh với mức lương quá chênh lệch, làm trầm trọng thêm phân hóa và phân tầng xã hội. Điều gì sẽ xảy ra một khi máy móc trở nên thông minh hơn và chúng ta không thể điều khiển được chúng? Điều gì sẽ xảy ra nếu máy móc có trí tuệ vượt con người khi việc tạo ra siêu trí tuệ là hoàn toàn có thể… GS.TS Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh: cuộc hội thảo hôm nay nhằm mục đích hình thành cơ sở lý luận, chia sẻ tham khảo kinh nghiệm quốc tế về phát triển AI và xem xét chiều cạnh đạo đức, nhân văn. Đây là một vấn đề rất mới nên cần tiếp tục được nghiên cứu thấu đáo, đánh giá một cách khoa học trước khi rút ra kết luận.
Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước và được tổ chức thành 2 phiên: 1) Phiên thứ nhất “AI và các khía cạnh đạo đức” (gồm các tham luận “Ứng dụng AI trong chăm sóc sức khoẻ và các vấn đề về đạo đức”, “Vấn đề đạo đức của các phương tiện tự lái”, “Vấn đề đạo đức trí tuệ nhân tạo và những tác động xã hội”); 2) Phiên thứ hai “Xây dựng quy chuẩn về đạo đức cho AI” (gồm các tham luận: “Theo đuổi tính hợp pháp: Làm thế nào để các công ty khởi nghiệp AI điều hướng giữa môi trường thể chế vĩ mô và ngành?”, “Đạo đức AI và gợi ý chính sách cho Việt Nam”, “Xây dựng khung pháp lý cho phát triển AI ở Việt Nam”).
VVH