Với tốc độ phát triển, công bố quốc tế trên ISI/Scopus của Trường như hiện nay, việc tiếp tục duy trì vị trí hoặc thậm chí tăng hạng trên ARWU là rất khả thi. Đây là nhận định của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học tại Hội thảo đo lường khoa học và xếp hạng đại học do Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức.
Theo quy định, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các nhà khoa học tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đối với giảng dạy, việc tính toán khối lượng công việc, thời gian giảng dạy nói chung là không khó. Tuy nhiên, để đánh giá thành tựu nghiên cứu của nhà khoa học và từ đó xác định mức lương phù hợp là một công việc rất công phu.
Lương nghiên cứu của một nhà khoa học tại Trường phụ thuộc vào nhiều chỉ số. Chỉ số thứ nhất là việc đăng ký thực hiện nhiệm vụ công bố khoa học theo Journal Rankings. Chỉ số thứ hai là kết quả trích dẫn khoa học theo WoS trong 2 năm gần nhất. Chỉ số thứ ba là chỉ số H theo WoS và một số chỉ số khác. Từng chỉ số thì sẽ tương ứng với một mức lương. Do đó, nhà khoa học có thể tự quyết định mức lương mà họ muốn nhận trong năm. Nếu họ muốn lương cao thì họ phải đăng ký công bố quốc tế có hạng cao.
Đối với các tiến sỹ chuyên về nghiên cứu thì công bố ISI/Scopus là công việc chính, ngoài nhiệm vụ giảng dạy hoặc các công việc tương đương khác. Đối với các tiến sỹ làm cả công tác nghiên cứu và giảng dạy, từ việc đăng ký nhiệm vụ nghiên cứu thì họ sẽ tự xác định được khối lượng giảng dạy mà họ phải thực hiện. Nếu họ đăng ký thực hiện những công trình có thứ hạng cao thì họ sẽ giảng dạy ít và ngược lại. Một tiến sỹ dạy nhiều nhưng không có công bố khoa học thì đương nhiên lương sẽ thấp hơn những tiến sỹ có công bố khoa học.
Trong trường hợp, tiến sỹ không thể công bố ISI/Scopus thì có thể đăng ký nghiên cứu ứng dụng hoặc nghiên cứu chuyển giao để thay thế. Điều này phù hợp với chiến lược đầu tư vào 3 loại hình nghiên cứu gồm: cơ bản, ứng dụng và chuyển giao. Mặc dù có những tiến sỹ không thể thực hiện nghiên cứu theo đúng quy định vì lý do nào đó nhưng việc giảng dạy vẫn đảm bảo thì Nhà trường vẫn có thể xem xét ngoại lệ cho họ.
Để đẩy mạnh nghiên cứu và công bố quốc tế, Trường không đặt áp lực nghiên cứu lên các nhà khoa học mà chính họ tự xác định mục tiêu, khối lượng công việc trên cơ sở mức lương mà họ mong muốn. Chính nhờ vào cơ chế tự chủ nên Nhà trường đã có quy định về chế độ lương, thưởng tương ứng với các công bố quốc tế để các nhà khoa học của Trường có thể yên tâm dốc hết sức cho công việc của họ, họ không phải đi làm thêm bên ngoài. Nhìn chung, thu nhập của các nhà khoa học của Trường có thể cạnh tranh với lương của chuyên gia tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, Trường còn tạo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên một môi trường quốc tế với những quy định rõ ràng và đây chính là điều kiện thuận lợi để họ phát triển đẳng cấp của họ trong khoa học. Rất nhiều tiến sỹ trẻ của Trường lúc đầu còn bỡ ngỡ với công bố ISI/Scopus thì với chính sách thiết thực của Ban giám hiệu Nhà trường mà nay họ đã trở thành những nhà khoa học có uy tín trong chuyên ngành, có người còn trở thành nhà khoa học có trích dẫn hàng đầu thế giới.
TS Lê Văn Út
Trưởng phòng Phòng Quản lý và Phát triển Khoa học - Công nghệ,
Trường Đại học Tôn Đức Thắng