Phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo, ông Meleshkin D.V - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Belarus, PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ông Goshin V.A - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Belarus tại Việt Nam đều khẳng định: Belarus và Việt Nam có lịch sử hợp tác lâu đời; Việt Nam luôn coi Belarus là đối tác kinh tế, chính trị truyền thống, thủy chung và đáng tin cậy ở không gian hậu Xô Viết; đối với Belarus, hợp tác với Việt Nam được xem là một trong những ưu tiên trong chiến lược đối ngoại của mình ở khu vực châu Á và Belarus luôn nỗ lực phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu mà Belarus là thành viên của Liên minh có hiệu lực từ năm 2016 đã mở ra trang mới trong lịch sử hợp tác kinh tế của hai nước và tạo xung lực đáng kể cho việc phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam - Belarus (được thể hiện qua sự tăng trưởng kim ngạch và cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây cũng như sự gia tăng số lượng các dự án đầu tư đang triển khai ở Việt Nam).
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây gián đoạn trong thương mại và đầu tư giữa hai nước, diễn đàn có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp của hai nước, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối cung cầu, cùng nhau tìm kiếm các chiến lược phục hồi và phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước lên tầm cao mới. Tại diễn đàn, các báo cáo của đại diện cơ quan thương mại hai nước đều chỉ ra rằng, Belarus có thế mạnh về công nghệ thông tin, Fintech, công nghệ sinh học thế hệ mới, công nghệ cao (trong lĩnh vực y tế, vật liệu mới, hóa mỹ phẩm, chế biến, bảo quản thực phẩm)... Chính vì vậy, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp của Belarus có nhu cầu được kết nối với doanh nghiệp Việt Nam để nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh từ Việt Nam như hàng nông sản (gạo, cafe, chè, tiêu, hạt điều…), thủy sản, may mặc, giày da, gia vị, điện tử, đồ gỗ cho thị trường Belarus và Liên minh kinh tế Á - Âu cũng như cung cấp các giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), Chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp nhà nước về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu trong bối cảnh mới đã cung cấp kết quả khảo sát thực tế về nhu cầu của phía Việt Nam về hợp tác KH&CN và hàng tiêu dùng của Belarus cũng như những rào cản, khó khăn trong hợp tác KH&CN và thương mại giữa hai bên. Theo đó, 100% các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp được khảo sát (200 tổ chức) chưa có hợp tác với Belarus mà chỉ có một số hợp tác với Nga. Tuy nhiên, họ đều mong muốn được hợp tác với Belerus, trong đó, 25% (trong số 100 doanh nghiệp được hỏi) mong muốn nhận chuyển giao công nghệ từ Belarus; khoảng 20% trong tổng số tổ chức KH&CN và doanh nghiệp được hỏi mong muốn được chia sẻ, trao đổi thông tin KH&CN cũng như chuyên gia với Belarus. Hiện nay, các tổ chức được hỏi đều cho rằng rào cản lớn nhất là thiếu thông tin về cung - cầu KH&CN của nhau, phía Belarus thiếu các chiến dịch quảng cáo, truyền thông về các sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của mình. Ngoài ra, nền tảng pháp lý, cơ chế khuyến khích giữa hai bên, vấn đề thành toán, rào cản ngôn ngữ, rào cản về địa lý cũng như việc Belarus chưa áp dụng chế độ miễn thị thực hoàn toàn cho Việt Nam cũng là những rào cản không nhỏ.
Diễn đàn đã thu hút được số lượng lớn các câu hỏi cũng như đề nghị hợp tác từ phía các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN Belarus. Các mối quan tâm từ phía bạn tập trung vào các vấn đề: khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số mặt hàng có thế mạnh của Belarus ở Việt Nam, vấn đề chuyển giao công nghệ từ Belarus sang Việt Nam, các cơ hội hợp tác sản xuất tại Việt Nam, các vấn đề về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, khả năng và các kênh tìm kiếm đối tác hiệu quả, đáng tin cậy. Các doanh nghiệp phía Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn tìm kiếm đối tác đề xuất khẩu gạo, cafe, tiêu, đồ gỗ và tìm kiếm một số công nghệ thông minh của Belarus.
VVH