Báo cáo về kết quả nghiên cứu, TS Bùi Sỹ Lợi - Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ nhiệm đề tài cho biết, nguyên nhân dẫn tới các hạn chế trong giám sát thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội hiện nay là do các quy định pháp lý về phạm vi, đối tượng và chủ thể giám sát an sinh xã hội, tổ chức hoạt động giám sát còn bất cập; năng lực và động lực giám sát của chủ thể được trao quyền còn hạn chế; năng lực và trách nhiệm của chủ thể chịu giám sát chưa cao; các điều kiện về nhân, vật lực phục vụ giám sát còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, trong ban hành, tổ chức triển khai hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật về an sinh xã hội hiện vẫn còn chậm, chồng chéo; chính sách, chế độ phòng ngừa rủi ro chưa thống nhất trong các ngành, nguồn lực không đảm bảo để thực hiện; công tác tuyên truyền về chính sách còn chưa sâu rộng; chính sách bảo hiểm xã hội được hoàn thiện nhưng chưa thể hiện được tính bền vững và khả năng bao trùm toàn dân. Kết quả của đề tài đã đề xuất 6 giải pháp: i) Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, quy định trong Hiến pháp và giám sát của các cơ quan dân cử, đảm bảo tăng cường pháp chế xã hội và an sinh xã hội; ii) Đổi mới hoạt động giám sát chính sách, pháp luật an sinh xã hội của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đảm bảo tính thống nhất, khoa học, đồng bộ và kế thừa; iii) Đảm bảo tính chuyên nghiệp trong giám sát việc thực thi chính sách; iv) Đảm bảo tự chịu trách nhiệm và theo đuổi mục đích, mục tiêu đến cùng của hoạt động giám sát; v) Thống nhất nhận thức về đổi mới và nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát việc thực thi chính sách; vi) Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử trên cơ sở hoàn thiện phương pháp tiếp cận giám sát thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội.
Đối chiếu với các nhiệm vụ đặt ra, Hội đồng đánh giá cao các kết quả nghiên cứu đạt được về mặt lý luận và thực tiễn của đề tài. Chuyên khảo về nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam trong khuôn khổ Đề tài là tài liệu hữu ích cho quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Qua triển khai thực hiện, đề tài cũng đã tham gia đào tạo 3 học viên cao học, 2 nghiên cứu sinh (1 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án TS). Kết quả của đề tài là tài liệu tham khảo hữu ích cho các tỉnh/thành phố được khảo sát (Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An…) và các ủy ban của Quốc hội.
Với các kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu do PGS.TS Đoàn Minh Huấn (Tạp chí Cộng sản) làm chủ tịch đã nhất trí nghiệm thu đề tài đạt loại xuất sắc.
Thu Hằng