Thứ ba, 09/06/2020 15:56

Hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng ở Việt Nam là một tất yếu khách quan

Tại phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Luận cứ khoa học cho việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng của Việt Nam” diễn ra chiều ngày 9/6/2020, nhóm nghiên cứu do PGS.TS Đào Văn Hùng - (Học viện Chính sách và Phát triển) Chủ nhiệm đề tài khẳng định: hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng ở Việt Nam là một tất yếu khách quan. Chính vì vậy, để phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam trên cơ sở khoa học, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2035, Chính phủ cần có quan điểm, định hướng rõ ràng và lộ trình phát triển thị trường trong từng giai đoạn, hệ thống giải pháp và điều kiện thực hiện các giải pháp đó.

Thị trường mua bán nợ là một bộ phận của thị trường tài chính, góp phần quan trọng vào việc huy động hiệu quả và phân bổ nguồn lực cho nền kinh tế; cung cấp khả năng thanh toán và tính thanh khoản cho các khoản nợ, hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để thị trường mua bán nợ phát triển thì cần một khung pháp lý chặt chẽ, có cơ quan thống nhất quản lý; có sự tham gia đa dạng của các bên (bán, mua và các tổ chức trung gian). Bên cạnh đó, hàng hóa trên thị trường mua bán nợ tại tại các quốc gia phát triển hay đang phát triển đều rất đa dạng (bao gồm các khoản nợ cá nhân, nợ doanh nghiệp và nợ của các tổ chức tín dụng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm chứng khoán hóa là những hàng hóa rất quan trọng trên thị trường).

Từ số liệu thực tế về thực trạng nợ của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong những năm qua tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng và kiểm định một số mô hình phân tích tác động và rủi ro của việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tới tăng trưởng kinh tế của nước ta. Kết quả kiểm định các mô hình đều tương tự nhau, khẳng định ảnh hưởng tích cực của thị trường trái phiếu đến tăng trưởng kinh tế khi tính đến sự tồn tại và ảnh hưởng của thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng.

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm thành công và thất bại của một số quốc gia trên thế giới, nhóm nghiên cứu của đề tài đã đề xuất các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; đồng thời phân tích, đánh giá thực trạng và các nhân tố ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ Việt Nam. Đề tài góp phần cung cấp cho các cơ quan quản lý về quan điểm, định hướng phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam trên cơ sở khoa học, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2035. Từ đó, đề tài sẽ xây dựng lộ trình phát triển thị trường trong từng giai đoạn, hệ thống giải pháp và điều kiện thực hiện giải pháp để các cơ quan quản lý có thể xây dựng và phát triển thị trường một cách hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo vai trò kiến tạo của Chính phủ trong từng giai đoạn cụ thể.

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã đánh giá đề tài “Luận cứ khoa học cho việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng của Việt Nam” với kết quả đạt.

VVH
 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)