Thứ năm, 10/08/2017 02:43

“Cách mạng 4.0- Cơ hội nào cho startup?”

Nằm trong chuỗi các chương trình giao lưu, tọa đàm của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017, ngày 5/8/2017, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo: “Cách mạng 4.0- Cơ hội nào cho Startup?”.

 

Tại đây các chuyên gia đều thống nhất nhận định, cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội công bằng cho tất cả, ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể đón được "làn sóng" nếu có sự chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng đón nhận các cơ hội.

Thông tn được đưa ra tại hội thảo cho biết, đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có 4 tỷ người và 20 tỷ thiết bị kết nối với nhau bằng internet kết nối vạn vật (IoT). Thị trường này sẽ tạo ra 1,9 nghìn tỷ USD doanh thu, với hơn 25 triệu ứng dụng. Trong khi đó, thị trường trí tuệ nhân tạo sẽ đạt tới 5,05 tỷ USD vào năm 2020.

Điều này cho thấy, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng, tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Xu hướng khởi nghiệp cũng là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm công nghệ sáng tạo đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội.

Đứng trước cơ hội và xu thế này, hiện đang có nhiều bạn trẻ tại Việt Nam tham gia khởi nghiệp. Đã có rất nhiều startup, công ty trẻ được ra đời từ phong trào này. Số liệu từ Bộ Thông tin & Truyền thông cho thấy hàng năm có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời tại Việt Nam. Những doanh nghiệp này đã tạo ra một động lực, sức sống mới trong sự phát triển của nền kinh tế.

Tại hội thảo, nhiều chia sẻ của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và thử thách dành cho các startup tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Tổng giám đốc VNPT-Media thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT), Phó Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt nhìn nhận, cho tới nay, vẫn chưa có định nghĩa chính xác nhất về cách mạng công nghiệp 4.0 song có thể hiểu rằng cuộc cách mạng này  là chỉ việc đưa hàm lượng công nghệ cao hơn, tính sáng tạo cao hơn vào trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Trên nguyên tắc đó, VNPT cũng đang tiếp cận và cung cấp dịch vụ theo nguyên tắc đó. Ví dụ như phát triển các giải pháp thông minh phục vụ cho các chính quyền. Ví dụ như là các hệ thống hành chính một cửa, các hệ thống quản lý khám chữa bệnh, quản lý giáo dục thông minh và tạo ra các lớp học thông minh…VNPT hiện nay đang tiếp tục tập trung nghiên cứu và phát triển các công nghệ nền tảng, ví dụ như công nghệ nhận dạng hình ảnh, công nghệ thực tế ảo để chủ động, sáng tạo hơn trong việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới.

Trả lời câu hỏi  tới đây VNPT có ý định thành lập một quỹ đầu tư cho các startup có ý tưởng công nghệ hay không, ông Tấn cho biết,  VNPT đã có những nguồn vốn có thể đầu tư cho các dự án, hợp tác phát triển các ý tưởng khả thi. Chúng tôi rất mong muốn và rất sẵn sàng gặp các bạn, những người có ý tưởng để cùng trao đổi về cơ hội hợp tác. Lãnh đạo VNPT đã nhận thức được rằng cần phải thành lập rất nhanh một môi trung tâm R&D, với những yêu cầu, nguyên tắc rõ ràng, công khai để tất cả những startup có ý tưởng, đáp ứng được những yêu cầu đó có thể đến và kết nối. Khi đó, những sản phẩm mới hoàn toàn có thể triển khai ngay trên hệ thống của VNPT.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược VNPT, với cơ hội lớn nhất trên hạ tầng nền tảng hạ tầng thông minh hiện nay, các doanh nghiệp startup hoàn toàn có thể là cầu nối để đem những giá trị tri thức của nhân loại về Việt Nam, để giúp giải quyết các bài toán của Việt Nam. Trong vòng 10 năm tới, ông Nguyễn Hữu Thái Hoà cho rằng đó là một kỷ nguyên bùng nổ của startup, với điều kiện chúng ta phải định vị lại startup. Phải có hướng phát triển start up một cách bài bản.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cho hay đang cùng các đồng nghiệp hợp tác với nhiều đơn vị mua những chương trình giáo dục startup căn bản, phù hợp nhất. Các startup phải có những modul. Startup giờ còn khó hơn cả quản trị doanh nghiệp, vì nó phải đi theo lứa tuổi. Một nghiên cứu mới được phối hợp thực hiện với Singapre về startup cho thấy, mỗi một lứa tuổi, startup lại có một cách nhìn khác nhau. Những startup của người sinh trước năm 2000 và sinh sau năm 2000 đã có  những suy nghĩ khác nhau về digital, về kết nối, mobile, về không dây… Theo ông Thái Hoà, giải pháp thông minh của toàn cầu đi vào Việt Nam sẽ nhanh nhất thông qua con đường của các startup.

Đặc biệt, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa nhắn nhủ tới những bạn trẻ, sinh viên bước trên con đường khởi nghiệp thông qua hai chữ “tri thức”. “Sẽ là hoàn toàn sai lầm khi hiểu rằng, để khởi nghiệp là phải ra đường kiếm tiền, bỏ học để đi bán café… “Điều quan trọng nhất của khởi nghiệp là phải tạo ra một lộ trình tri thức. Các em phải đóng gói tri thức từ nhà trường, từ xã hội, để khi bước ra làm startup, các em thực sự vững vàng”, ông Hòa chia sẻ.

Được tổ chức ở thời điểm Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 bước vào giai đoạn nhận bài dự thi, chương trình workshop: “Cách mạng 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” đã đem lại những thông hữu ích nhất tới các startup, doanh nghiệp khởi nghiệp đang trên con đường phát triển phía trước. Đặc biệt là những startup, doanh nghiệp khởi nghiệp đã, đang và sẽ tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt có một hành trang tốt nhất, đầy đủ nhất để có cơ hội trở thành những Nhân tài Đất Việt được vinh danh tại giải thưởng năm nay.

Quang Lộc

http://baocongthuong.com.vn/cach-mang-40-co-hoi-nao-cho-startup.html

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)