Chuyên gia, trí thức kiều bào khởi nghiệp tại Việt Nam
Rất nhiều chuyên gia trí thức, kiều bào đã thông báo, giới thiệu các kết quả ban đầu về các doanh nghiệp khởi nghiệp của mình tại Việt Nam trong năm qua. Kiều bào Pháp Nguyễn Trọng Nhân với mô hình khởi nghiệp theo hướng cộng đồng (FABLAB). Đây giống như một câu lạc bộ dành cho những người đam mê sáng chế, có đủ điều kiện hỗ trợ để những người đam mê thực hiện ý tưởng của mình. FABLAB hướng đến xây dựng một cộng đồng đam mê sáng chế, tạo dựng không gian sáng tạo và kỳ vọng tìm kiếm được sức lan tỏa mạnh từ mô hình này trong tương lai.
Các em học sinh tham gia chương trình Teach for Vietnam trong giờ thực hành (Ảnh Hạnh Nguyên)
Cựu du học sinh Harvard Huỳnh Hạnh Phúc cũng đã chia sẻ về mô hình Teach for Vietnam (Giảng dạy vì Việt Nam - TFV). Đây là một dự án phi lợi nhuận nhằm góp phần đem lại một nền giáo dục hoàn thiện, bình đẳng và thực tiễn trong thời đại mới tại trường học cho trẻ em Việt Nam, thông qua việc tuyển chọn các hạt giống xuất sắc nhất từ đa ngành nghề. Mục tiêu quan trọng nhất TFV hướng đến là giúp trẻ em nghèo ở những vùng khó khăn nên chương trình sẽ hoàn toàn miễn phí cho người học.
Giám đốc điều hành và sáng lập TFV Huỳnh Hạnh Phúc cho biết, TFV sẽ đào tạo đội ngũ hạt giống (fellow), sau đó sẽ đưa họ đến dạy một số môn học toàn thời gian, bước đầu là mốn tiếng Anh tại các trường tiểu học và trung học cơ sở ở các vùng khó khăn trong vòng 2 năm. Hiện tại, TFV đang muốn tuyển dụng thêm 27 vị trí hạt giống, họ là những người ở tất cả các lĩnh vực, có đam mê, nhiệt huyết, trình độ tiếng Anh cao để làm việc cho dự án giáo dục, lĩnh vực vốn chưa thu hút được nhiều nhân tài trong những năm gần đây.
Với dự án Triển khai VietExd theo mô hình MOOCs (hệ thống đào tạo trực tuyến mở) đào tạo nhân lực chất lượng cao, kiều bào Mỹ Nguyễn Vinh cho biết, theo hình thức này, nội dung các bài giảng (video, giáo trình, bài tập) đều được phổ biến không hạn chế qua mạng; học sinh có thể tham gia các khóa học từ khắp mọi nơi khi có mạng; MOOC cho phép xây dựng khóa học với vài chục, vài trăm, hoặc vài ngàn học sinh một lúc; quá trình học sử dụng nhiều công cụ trao đổi trên mạng để học sinh trao đổi với nhau và với giáo viên. Các công cụ kiểm tra kiến thức (bài thi) rất linh động, phong phú; các khóa học thường miễn phí hoặc cần khoản thu phí nhỏ khi học sinh có nhu cầu lấy chứng chỉ.
Chia sẻ kinh nghiệm kết nối thành công chuyên gia trí thức kiều bào với đơn vị mình, TS. Nguyễn Ngọc Trung (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và TS. Lê Đức Hùng (Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết, với sự giúp đỡ tâm huyết của chuyên gia trí thức kiều bào ở Singaopre và Nhật Bản, dự án “Phát triển quy trình công nghệ chế tạo transistor có độ linh động điện tử cao, ứng dụng cho các thiết bị điện tử công suất và tần số cao (HEMT)” và dự án “Kỹ thuật thiết kế vi mạch số công suất thấp, công nghệ và ứng dụng” được Dự án FIRST tài trợ đang được triển khai thực hiện rất thuận lợi, hiệu quả.
Cần phát triển theo chiều sâu
Ông Dương Minh Trí, Viện Vật lý TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam (Kiều bào Đức) cho biết, từ các trường đại học, cao đẳng ở Berlin và Potsdam đã có 745 doanh nghiệp được thành lập. Trong năm 2015 có khoảng 22.000 lao động làm việc trong số 605 doanh nghiệp nói trên. Doanh thu trong năm 2015 của các doanh nghiệp này đạt khoảng 3 tỉ Euro, gần gấp hai con số tài chính cơ bản do nhà nước chi cho các trường đại học tại Berlin là 1,7 tỉ Euro.
Cũng theo ông Dương Minh Trí, trong hệ sinh thái khởi nghiệp, Nhà nước là một thành phần, nhưng Nhà nước không cần can thiệp sâu, chỉ cần tạo môi trường kinh doanh minh bạch. Cần tiếp tục nuôi dưỡng ý tưởng Startups, khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng đối với các sinh viên ngay trong thời gian còn đi học và thành lập các quỹ hỗ trợ vốn hay cho vay; ưu tiên, tạo thuận lợi cấp kinh phí cho đề tài nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu có sự liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp. Chứng minh các kết quả nghiên cứu bằng những hợp đồng kinh tế cụ thể chứ không bằng thẩm định của hội đồng khoa học; Nhà nước giảm, miễn thuế, tạo thuận lợi tối đa, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư nghiên cứu sản xuất, cải tiến sản phẩm, thiết bị mới.
Giám đốc điều hành và sáng lập TFV Huỳnh Hạnh Phúc cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ khởi sắc hơn nữa nếu kết nối được các nhà khởi nghiệp có ý tưởng tốt với các chuyên gia trong lĩnh vực đó. Khởi nghiệp trong lĩnh vực phi lợi nhuận và doanh nghiệp xã hội hiện còn rất mới ở Việt Nam, trong khi tiềm năng của lĩnh vực này trong xã hội rất lớn. Hiện, có một số quỹ rất lớn có thể tiếp cận như Echoing Green (Mỹ), Bill Melinda Gates Foundation (Mỹ), Omidyar Network (Mỹ), Wise (Dubai)…
Nhiều ý kiến khác cho rằng, nhà nước cần tạo lập một hành lang pháp lý, thủ tục hải quan thật sự dễ dàng, minh bạch. Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về lập nghiệp, để khuyến khích khởi nghiệp hơn nữa, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án, đề tài,…
Hạnh Nguyên
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=83&NewsId=386579