Thứ năm, 10/10/2019 03:37

Một số vấn đề trong trị liệu tế bào gốc

 Những năm gần đây, những ai quan tâm đến các tiến bộ trong y khoa có lẽ đều biết đến liệu pháp tế bào gốc. Đây là một liệu pháp đột phá trong việc tìm kiếm hướng đi mới giải quyết những căn bệnh khó chữa của y học hiện nay. Cùng với xu hướng đó, tế bào gốc đang là chủ đề ngày càng được quan tâm của ngành khoa học y sinh nói riêng, lĩnh vực khoa học sự sống nói chung.

Sử dụng tế bào gốc dạng phôi - vấn đề gây tranh cãi
Tế bào gốc là loại tế bào tương đối nguyên thuỷ, có khả năng phân chia nhanh chóng để tạo thành các tế bào có chức năng đặc trưng, như tế bào da, tế bào máu, tế bào thần kinh… Những tế bào gốc trong phôi thai có khả năng tạo nên một số lượng lớn các loại mô khác nhau. Loại tế bào có khả năng sinh sản nhanh này đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong nhiều thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, sử dụng tế bào gốc dạng phôi của con người là một vấn đề còn gây tranh cãi, liên quan đến luật pháp ở một số nước. Các tế bào gốc dạng phôi cũng khó được nuôi cấy theo một phương pháp đáng tin cậy về mặt khoa học kỹ thuật. Chúng thường không ổn định và hay gây ra những kết quả không mong đợi khi phân chia, thậm chí còn làm tăng nguy cơ phát triển của ung thư. Các tế bào gốc dạng phôi của con người thường gây ra phản ứng miễn dịch khi được cấy ghép vào cơ thể. Điều này có nghĩa là, nếu không được bảo vệ (bằng thuốc ức chế miễn dịch - có thể gây nguy hiểm) thì chúng sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt bởi hệ miễn dịch của cơ thể. Bằng việc thu thập tế bào gốc từ một số lượng lớn các phôi khác nhau để tạo thành một kho lưu trữ mô khổng lồ, bất cứ ai cần điều trị cũng gần như có thể tìm được kiểu mô thích hợp từ một mẫu tế bào đang có. Nhưng ngay cả khi đạt được điều này thì những vấn đề về thao tác tế bào gốc và biến chứng ung thư vẫn còn.

tebao

Tế bào gốc dạng phôi

Ưu thế của việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành
Ứng dụng tế bào gốc trong y học không phải là một phương pháp điều trị truyền thống, mà nó sử dụng tế bào có nguồn gốc từ chính cơ thể người thay vì dùng các tác nhân bên ngoài. Có thể hình dung điều này qua ví dụ sau: giả sử ai đó bị bệnh tim, một bác sỹ chuyên khoa sẽ nói với người đó về việc sử dụng chính các tế bào gốc của anh ta trong một điều trị thử nghiệm. Nếu anh ta đồng ý, một mẫu tuỷ xương của người này được lấy ra và được xử lý bằng các phương pháp vẫn thường thấy trong phác đồ xử lý bạch cầu ở các trung tâm điều trị ung thư. Kết quả thu được là một số tế bào tuỷ xương đặc biệt, chúng được tiêm ngược trở lại cơ thể người bệnh. Như vậy, bác sỹ đang trả lại những tế bào gốc cho người bệnh, những tế bào này là sở hữu hợp pháp của anh ta. Bạn cũng đang có những tế bào gốc trưởng thành của chính bạn. Không có xưởng sản xuất hay công ty kinh doanh y dược nào liên quan ở đây cả. Không còn những vấn đề nghiêm trọng về đạo đức (không giống trường hợp các tế bào gốc dạng phôi), hạn chế rủi ro từ phản ứng miễn dịch của các mô.
Bây giờ chúng ta bắt đầu xem xét tại sao những đầu tư nghiên cứu đang chuyển nhanh từ đầu tư cho nghiên cứu tế bào gốc dạng phôi sang tế bào gốc trưởng thành. Trường Y Harvard cũng đang nghiên cứu mạnh về các liệu pháp tế bào gốc trưởng thành. Các thử nghiệm đã cho thấy phần nào sự phục hồi thị giác ở những con vật có võng mạc bị huỷ hoại. Người ta hy vọng trong vòng 5 năm, các thử nghiệm lâm sàng có thể cho phép sử dụng tế bào gốc để điều trị bệnh mù loà do thoái hoá hoàng điểm ở người cao tuổi - một nguyên nhân gây mù loà phổ biến nhất ở Mỹ. Hy vọng trong vòng 10 năm, mọi người có thể được điều trị một cách thông thường bằng những tế bào gốc của chính họ với một quá trình điều trị chỉ hai giờ đồng hồ.
Chúng ta đang có những quá trình gia tăng nghiên cứu về tế bào gốc trưởng thành và giảm bớt nghiên cứu về tế bào gốc dạng phôi. Công nghệ tế bào gốc dạng phôi đang được xem là của thế kỷ trước, nhân bản trong y học cũng vậy. Lịch sử sẽ cho thấy rằng, đến 2025, chúng ta sẽ có khả năng tạo ra một số lớn các loại mô sử dụng các tế bào gốc trưởng thành. Trong một số trường hợp, những tế bào gốc này sẽ thực sự tham gia mật thiết vào những quá trình chữa trị mới. Trong những trường hợp khác, chúng sẽ có đóng góp cho những quá trình sửa chữa cục bộ của cơ thể. Chúng ta cũng sẽ thấy sự ra đời của một số sản phẩm y dược mới, có khả năng thực hiện những thủ thuật điều trị mà không cần lấy bất cứ tế bào gốc nào ra khỏi cơ thể. Chẳng hạn, những loại thuốc này sẽ kích hoạt tế bào gốc tuỷ xương và thúc đẩy chúng di chuyển đến các bộ phận và cơ quan của cơ thể, những nơi cần được sửa chữa.
Việc sử dụng phôi thai luôn gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn là việc sử dụng các mô trưởng thành, hoặc các tế bào lấy từ dây rốn sau khi sinh. Và các nhà nghiên cứu sẽ muốn giảm bớt những rủi ro không cần thiết đối với cả sự đầu tư tài chính cũng như các tổ chức của họ. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể trông đợi rằng việc tiếp tục nghiên cứu các tế bào gốc ở một số nước sẽ có được những đột phá khoa học đem lại lợi ích cho con người.
Vài suy nghĩ về chính sách sử dụng tế bào gốc ở Việt Nam
Tại Việt Nam, các đơn vị đầu tư cho tế bào gốc, đặc biệt là một số bệnh viện cũng đang hưởng lợi lớn từ hoạt động ứng dụng công nghệ này trong điều trị bệnh và thẩm mỹ. Các nghiên cứu cơ bản về gen, tế bào gốc, kỹ nghệ mô đã và đang được thực hiện với quy mô ngày một lớn với định hướng ứng dụng vào thực tế. Các động vật chuyển gen như cá phát sáng, chuột phát sáng hay một số sản phẩm chuyển gen khác đã được tạo ra tại các phòng thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh, Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh… Các mô hình nuôi cấy 3D (organoids) từ tế bào ung thư, tế bào gốc trung mô… cũng đã được xây dựng thành công và đang áp dụng trong các thử nghiệm sàng lọc thuốc. Tiềm năng cho nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam là rất lớn, bởi hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài cũng đã tham gia vào thị trường sản xuất và chuyển giao công nghệ thuốc tế bào gốc.
Tiềm năng là thế, nhưng cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam vẫn chưa có các chính sách về tế bào gốc. Mặc dù đã được dự thảo từ năm 2015 nhưng đến nay, sau gần bốn năm, Luật về máu và tế bào gốc vẫn chưa được ban hành, cũng như chưa có thêm các hướng dẫn khác về việc triển khai nghiên cứu, khai thác, ứng dụng hay các hoạch định chiến lược cho lĩnh vực nghiên cứu này. Các đề tài/dự án về tế bào gốc chưa được định hướng và quy hoạch một cách rõ ràng. Các dự án đầu tư về sản xuất và ứng dụng tế bào gốc trong y học vẫn đang được các đơn vị (chủ yếu là tư nhân) thực hiện nhưng theo kiểu mạnh ai nấy làm. Đó cũng là lý do khiến cho việc khởi động một nền công nghiệp đầy tiềm năng - công nghiệp tế bào gốc - tại Việt Nam đến nay vẫn đang còn sơ khai và chưa thể nhìn thấy được cụ thể hiệu quả đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của lĩnh vực này.

Nguyễn Lê Đình Quý1, Cấn Khánh Ly2
1Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế
2Tổ Khoa học Y sinh
Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)