Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn khẳng định sự quyết tâm của ĐHQGHN trong việc đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực then chốt của khoa học và công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt chú trọng đến kết nối 3 nhà (nhà nước - trường đại học - doanh nghiệp) để thúc đẩy thương mại hóa, chuyển giao kết quả nghiên cứu. Đây là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 57, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Giới thiệu về năng lực và tiềm năng hợp tác của Viện Công nghệ Thông tin trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch, Phó Viện trưởng Lê Hoàng Sơn cho biết, với vai trò là đơn vị đào tạo và nghiên cứu mũi nhọn của ĐHQGHN, Viện có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đóng góp vào quá trình chuyển đổi số quốc gia cũng như phát triển khoa học và công nghệ.
Viện Công nghệ Thông tin đã xây dựng đội ngũ chuyên gia trình độ cao, triển khai nhiều đề tài, dự án trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, an toàn thông tin, đặc biệt là công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch. Viện cam kết tiếp tục là đối tác tin cậy trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao, đồng thời mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phát triển năng lực quốc gia về công nghiệp vi mạch - ngành công nghệ mang tính chiến lược cho tương lai của Việt Nam.
TS Bùi Duy Hiếu - Trưởng phòng Thí nghiệm AioT, Viện Công nghệ Thông tin đã giới thiệu chương trình đào tạo và nghiên cứu chip bán dẫn đang được triển khai tại Viện, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và thúc đẩy hợp tác giữa ba nhà nhằm tạo động lực phát triển bền vững cho ngành bán dẫn Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Trần Thuật - Viện trưởng Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến (thuộc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN) trình bày về định hướng chiến lược phát triển của Viện, trong đó nhấn mạnh vai trò của đơn vị trong thúc đẩy sáng kiến, kết nối chuyên gia, xây dựng các đề án và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57.
Bà Nguyễn Bích Yến - chuyên gia cao cấp Tập đoàn SOITEC (Pháp), Chủ tịch danh dự Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến đánh giá cao sự chuẩn bị bài bản cho chiến lược đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn của 2 Viện và đề xuất mở rộng nghiên cứu, phát triển các dòng chip đa dụng và chip nguồn tích hợp với công nghệ đóng gói tiên tiến không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn đủ năng lực cạnh tranh quốc tế.

Chuyên gia Nguyễn Bích Yến giới thiệu công nghệ 22 nm FDSOI (nguồn: VNU Media).
Bà Nguyễn Bích Yến cũng chia sẻ chuyên sâu về công nghệ 22 nm FDSOI - một xu hướng quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn hiện đại. Bà cho biết, công nghệ này mang lại lợi thế về tiêu thụ năng lượng thấp và chi phí sản xuất hợp lý, đặc biệt phù hợp với chiến lược phát triển hệ thống tích hợp cho các thiết bị biên (edge devices) - một trong những định hướng ưu tiên của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tọa đàm đã góp phần quan trọng trong việc củng cố định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại ĐHQGHN, đồng thời tạo động lực kết nối nguồn lực trong và ngoài nước. Đây là bước đi thiết thực nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho việc làm chủ công nghệ chip bán dẫn tại Việt Nam, hướng đến vị thế cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
VH