TS Tamara Henderson - chuyên gia kinh tế cấp cao của Bloomberg - Công ty Tài chính, phần mềm, dữ liệu và truyền thông (Hoa Kỳ) nhấn mạnh, thế giới đang trải qua giai đoạn đầy bất ổn, đòi hỏi các quốc gia phải nhanh chóng tái cấu trúc nền kinh tế. Những thách thức chính hiện nay xuất phát từ biến đổi khí hậu, sự dịch chuyển của dòng vốn, các chính sách thương mại mới cùng làn sóng phát triển công nghệ mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, song cũng có những doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội để bứt phá. Đây chính là thời điểm các doanh nghiệp Việt cần chủ động chuyển đổi, nhằm tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

TS Tamara Henderson phát biểu tại sự kiện (nguồn: Tùng Đinh).
TS Tamara Henderson nhận định, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn, do đó việc ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong vận hành là nhu cầu thiết yếu để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Lợi thế của Việt Nam nằm ở cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào, nhanh nhạy và dễ thích ứng. Tuy nhiên, Việt Nam cần cải tiến hệ thống giáo dục để phát triển nguồn nhân lực có năng lực cạnh tranh cao hơn trên trường quốc tế.
Theo chia sẻ các chuyên gia tại sự kiện, chuyển đổi số, công nghệ như AI, blockchain đang tạo nên sân chơi mới, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng sức khỏe cho doanh nghiệp. Với các đơn vị, công nghệ, chuyển đổi số giúp tăng năng suất, giảm sai sót, hỗ trợ phân tích, đưa ra quyết định thậm chí thay đổi mô hình kinh doanh. Công nghệ còn giúp rút ngắn thời gian trong xử lý giấy tờ, xử lý thủ tục hành chính.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, mặc dù thế giới đang có nhiều thay đổi khó lường, song tiềm năng cạnh tranh của Việt Nam vẫn rất đáng kể. Việc một số ngành như: dệt may, thủy sản chịu thuế quan cao chính là động lực để doanh nghiệp cải tiến chất lượng, đa dạng hóa thị trường và tối ưu chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực, nhờ sự phát triển mạnh của điện mặt trời, điện gió, phù hợp định hướng giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, sự bùng nổ của công nghệ số, AI, thương mại điện tử cũng đang mở ra không gian phát triển hoàn toàn mới. Dự kiến, Luật Công nghiệp Công nghệ số sắp được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo, bảo vệ dữ liệu và giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Khắc Lịch cho biết, mục tiêu chiến lược của Việt Nam là đạt tăng trưởng kinh tế hai chữ số. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần mở rộng không gian phát triển sang các lĩnh vực mới như kinh tế số, công nghệ số và thiết bị số. Chính phủ Việt Nam đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng và sửa đổi nhiều luật quan trọng. Ngoài ra, các chính sách cụ thể cũng được xây dựng nhằm hỗ trợ startup, trong đó có việc cấp vốn ban đầu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Sắp tới, dự kiến một luật về chuyển đổi số sẽ được trình ban hành, đóng vai trò như mắt xích quan trọng để liên kết các luật hiện hành, qua đó hình thành hệ sinh thái pháp lý hoàn chỉnh cho nền kinh tế số. Những bước đi này được kỳ vọng sẽ mở ra không gian tăng trưởng mới, nơi doanh nghiệp có thể thử nghiệm, sáng tạo và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Xuân Bình