
Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, trong bối cảnh phát triển hiện nay, việc chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu để các địa phương, doanh nghiệp và người dân bắt kịp tốc độ phát triển của thế giới. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuyển đổi số sẽ giúp phá bỏ rào cản địa lý, mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng nhanh chóng. Những năm gần đây, người tiêu dùng đang dần có xu hướng chuyển sang mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử. Điều này đang đặt ra những thách thức trong việc duy trì và phát triển các chợ truyền thống. Việc tổ chức chương trình “Đào tạo chuyển đổi số cho các Ban quản lý chợ và tiểu thương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” sẽ giúp Ban quản lý chợ và tiểu thương có thêm những kiến thức thực tiễn về thương mại điện tử, phương thức thanh toán số, quản lý bán hàng trên nền tảng số, quảng bá sản phẩm trực tuyến, giúp họ thích ứng nhanh với xu thế chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, chợ truyền thống là một phần quan trọng trong đời sống người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, các tiểu thương nói chung, trong đó có tiểu thương ở TP Hồ Chí Minh nói riêng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Sự chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến đã gây khó khăn cho việc duy trì doanh thu và khả năng cạnh tranh. Chính vì vậy, chuyển đổi số chợ truyền thống là giải pháp thiết yếu, giúp tiểu thương hội nhập và phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới. Chương trình Đào tạo chuyển đổi số cho các Ban quản lý chợ và tiểu thương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không chỉ giúp Ban quản lý, tiểu thương tại các chợ truyền thống tiếp cận công nghệ mà còn giúp họ nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó gia tăng lợi nhuận và khẳng định vị thế trong nền kinh tế số.
Phong Vũ - Nguyễn Hoàn