
Các đại biểu tại Hội thảo chụp ảnh lưu niệm (nguồn: UEB).
Hội thảo là diễn đàn, không gian rộng mở để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân, học giả trong và ngoài nước cùng nhau thảo luận, chia sẻ quan điểm, kiến thức, kinh nghiệm, tìm ra giải pháp khả thi để nâng cao năng lực quản trị, phát triển nguồn nhân lực, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của chiến lược quốc gia về CNBD. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nắm bắt xu hướng phát triển ngành CNBD trên thế giới và Việt Nam, là cơ hội tốt để giao lưu, kết nối với đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, học giả hàng đầu trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế khẳng định, ngành CNBD là nền tảng của đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao. Việt Nam đang nỗ lực vươn lên để trở thành một mắt xích chiến lược trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, công tác quản trị nguồn nhân lực sẽ là một trong những vấn đề trọng yếu. Những trao đổi và ý tưởng được đưa ra tại Hội thảo sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành CNBD Việt Nam. Sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục, Nhà nước và doanh nghiệp là điều kiện cần thiết để đảm bảo có đủ nguồn nhân lực và chính sách phù hợp để hỗ trợ ngành công nghiệp chiến lược này.
Hội thảo đã diễn ra 4 phiên thảo luận chính:
Phiên 1: Chính sách và chiến lược nhân lực ngành CNBD tập trung vào một số nội dung: Một số nội dung mới trong Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Luật Công nghiệp Công nghệ số về thu hút nguồn nhân lực cho ngành CNBD; vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phát triển nhân lực bán dẫn; hiểu đúng về bán dẫn và phát triển hệ sinh thái nhân lực; sự sẵn sàng của Việt Nam cho việc phát triển ngành CNBD: tổng quan, chiến lược và chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn.
Phiên 2: Doanh nghiệp và quốc tế - góc nhìn thực tiễn tập trung vào một số nội dung: Giáo dục nghề nghiệp về lĩnh vực bán dẫn; kinh nghiệm quốc tế và định hướng triển khai đào tạo nhân lực; thúc đẩy phát triển kỹ năng và việc làm thỏa đáng cho ngành CNBD bao trùm tại Việt Nam: những cân nhắc và góc nhìn quốc tế; thực trạng nguồn nhân lực thiết kế vi mạch và một vài đề xuất; đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp FDI về thực trạng, xu thế tuyển dụng và sử dụng nhân lực ngành CNBD.
Phiên 3: Đóng góp của Trường Đại học Kinh tế vào Chiến lược phát triển ngành CNBD tại Việt Nam.
Phiên 4: Tọa đàm chuyên sâu - Giải pháp phát triển nhân lực ngành bán dẫn tập trung vào một số nội dung: Đổi mới tư duy đào tạo nhân lực thích nghi nhanh; chính sách quốc gia cho phát triển nhân lực công nghệ lõi; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho bán dẫn; tầm quan trọng của đội ngũ kỹ sư triển khai; không gian sáng tạo cho sản xuất chip bán dẫn; phát triển nền tảng số và đào tạo kỹ sư công nghệ cao phục vụ ngành bán dẫn; phát triển nguồn nhân lực bán dẫn từ nền tảng STEM: vai trò và giải pháp.
VVH