
Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2025.
Ngày Quốc tế đa dạng Sinh học được tổ chức vào ngày 22/05 hằng năm là dịp để nâng cao nhận thức cộng đồng toàn cầu về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và vai trò thiết yếu của đa dạng sinh học đối với sự sống trên Trái đất. Chủ đề của Ngày Quốc tế đa dạng sinh học hằng năm được lựa chọn nhằm thu hút sự quan tâm, truyền cảm hứng và kêu gọi hành động trên toàn cầu đối với các vấn đề của đa dạng sinh học.
Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025 được Liên hợp quốc phát động với Chủ đề “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững”, đã nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa đa dạng sinh học và phúc lợi của con người, đồng thời khẳng định rằng việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) phụ thuộc vào một thế giới tự nhiên khỏe mạnh và phát triển thịnh vượng. Khẩu hiệu này đã nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ và phục hồi thiên nhiên, đồng thời đảm bảo tiến bộ về kinh tế, xã hội và môi trường.
Thiên nhiên và đa dạng sinh học là nền tảng của mọi sự sống và cơ sở cho sự phát triển bền vững của con người trên Trái đất. Bảo tồn đa dạng sinh học đồng nghĩa với bảo vệ tương lai của nhân loại. Tuy nhiên, thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục xu hướng suy giảm nghiêm trọng. Theo Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), khoảng 45.300 loài động vật và thực vật trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Nguyên nhân chủ yếu đe doạ đa dạng sinh học trên thế giới là các hoạt động của con người, như: phá hủy môi trường sống, khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, hệ sinh thái tự nhiên. Trước thực trạng đó, năm 2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đồng thuận ra tuyên bố Thập kỷ 2021-2030 là "Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái"; Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal được thông qua vào tháng 12/2022 tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (CBD COP15) với mục tiêu thể hiện quyết tâm ngăn chặn suy thoái đa dạng sinh học, phục hồi thiên nhiên vì sự phát triển bền vững của hành tinh.
Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia sở hữu đa dạng sinh học cao nhất thế giới với 03 nhóm hệ sinh thái cơ bản: hệ sinh thái trên cạn, đất ngập nước và biển. Trong thời gian qua, Việt Nam đã ghi nhận 112 loài động, thực vật mới được phát hiện, trong đó có 106 loài đặc hữu tại Việt Nam. Có những loài động vật cực kỳ quý hiếm, cả thế giới chỉ có ở Việt Nam như Gà lôi lam mào trắng Việt Nam, Măng Trường Sơn, Voọc mông trắng... Việt Nam cũng là một trong các Trung tâm có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới, gồm hơn 6.000 giống lúa, khoảng 800 loài cây trồng và là nguồn gốc của khoảng 887 giống vật nuôi, trong đó có khoảng 30 giống đang được sử dụng rộng rãi.
VH