Thứ tư, 23/04/2025 12:21

Luật chuyên biệt về bảo vệ dữ liệu cá nhân là cấp thiết

Ngày 23/04/2025, tại Hà Nội, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức Tọa đàm "Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân". Các ý kiến tại Tọa đàm đều cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, việc xây dựng một đạo luật chuyên biệt về bảo vệ dữ liệu cá nhân là cấp thiết.

Công nghệ thông tin ngày càng lan tỏa vào cuộc sống con người, người dùng càng cung cấp nhiều hơn thông tin, dữ liệu cá nhân lên không gian mạng và cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, từ những thông tin cơ bản tới thông tin phản ánh sinh trắc học, tâm lý, suy nghĩ và hành động. Mức độ phổ biến của dữ liệu cá nhân trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi dữ liệu cá nhân không được bảo vệ tương xứng, đúng cách. Trong khi đó, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân còn hạn chế; nhiều thông tin sinh trắc học, lý lịch cá nhân, mối quan hệ, tình trạng sức khỏe, tài chính được đăng tải công khai, trở thành nguồn dữ liệu cho các chương trình thu thập thông tin tự động.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân trên không gian mạng cũng thường xuyên diễn ra. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trên cơ sở chỉ rõ những thách thức trong bảo vệ thông tin cá nhân, các đại biểu cho rằng việc xây dựng và hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là yêu cầu cấp bách để thể chế hóa các quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng.

Việc này cũng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm hài hòa với thông lệ, quy định quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân; phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động kinh doanh có liên quan tới dữ liệu cá nhân; hạn chế, tiến tới khắc phục tình trạng dữ liệu cá nhân đang bị mua bán, lộ, mất tràn lan, nhiều hành vi vi phạm pháp luật thiếu quy định xử lý; giúp nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay.

Theo thống kê, trên thế giới đã có hơn 140 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó gần nhất là Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia. Được biết, Dự thảo Luật được xây dựng gồm 07 chương, 69 điều, quy định đầy đủ về các nội dung: nguyên tắc xử lý dữ liệu, quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu và bên liên quan, chuyển dữ liệu ra nước ngoài, đánh giá tác động dữ liệu, xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu, xử lý vi phạm và cơ chế kiểm tra, giám sát. Luật cũng điều chỉnh cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu công dân Việt Nam.

L.H

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)