Đây là chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt khi lần đầu tiên lãnh đạo quân sự cấp cao hai nước cùng khảo sát một mô hình logistics dân sự ứng dụng công nghệ cao đặt ngay sát khu vực biên giới. Đây không chỉ là biểu hiện rõ ràng của tinh thần hợp tác song phương mà còn nhấn mạnh vai trò chiến lược của hạ tầng logistics hiện đại trong việc thúc đẩy giao thương, tăng cường kết nối và duy trì ổn định khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc thăm công viên logistics Viettel tại Lạng Sơn (nguồn: PV).
Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng đều bày tỏ sự đánh giá cao đối với việc Viettel triển khai thành công mô hình cửa khẩu thông minh đầu tiên tại Việt Nam. Dựa trên nền tảng tích hợp giữa hạ tầng kỹ thuật, công nghệ hiện đại và cơ chế quản lý tiên tiến, Công viên Logistics Viettel đóng vai trò là điểm kết nối chiến lược trong tuyến thương mại Việt - Trung, đặc biệt tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan. Là trung tâm logistics thông minh đầu tiên được triển khai tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), công trình này tận dụng vị trí đắc địa với các kết nối trực tiếp tới Quốc lộ 1A, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng và mạng lưới đường sắt quốc tế. Nhờ đó, nơi đây trở thành một trong những cửa ngõ quan trọng về logistics tại miền Bắc, kết nối Việt Nam với Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc.
Sau hơn 2 tháng vận hành, mô hình này đã mang lại những kết quả ấn tượng. Thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu chỉ còn 30 phút (rút ngắn đến 40% so với trước). Hàng nhập khẩu cũng được xử lý nhanh gần gấp đôi. Mỗi ngày, trung tâm đã phục vụ khoảng 100 xe hàng và dự kiến sẽ đạt mốc 300 xe/ngày trong năm 2025, chiếm 35-40% thị phần tại khu vực cửa khẩu. Tầm nhìn dài hạn hướng tới công suất 1.500 xe/ngày sẽ giúp Công viên Logistics Viettel trở thành mắt xích then chốt trong hành lang logistics kết nối châu Á - châu Âu - châu Phi, phù hợp với định hướng của sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Ngoài ra, hệ thống tại đây được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như quản lý thời gian thực, phân luồng tự động, cổng kiểm tra không tiếp xúc, giám sát an ninh thông minh và nền tảng chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới. Điều này giúp mô hình tiến gần đến tiêu chuẩn quốc tế mà các trung tâm logistics hàng đầu tại Trung Quốc và các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang áp dụng.
Đại diện Bộ Quốc phòng hai nước cùng khẳng định, phát triển hạ tầng logistics thông minh không chỉ là yếu tố thúc đẩy thương mại mà còn góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin chiến lược, đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định và nâng cao an ninh kinh tế trong khu vực.
Xuân Bình