Thứ năm, 17/04/2025 10:21

Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong chuyển đổi xanh

Ngày 16/04/2025, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G 2025) đã diễn ra Diễn đàn Đối thoại chính sách với chủ đề “Khuyến khích đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh”. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, nhằm tạo không gian đối thoại cởi mở giữa các cơ quan quản lý, khu vực tư nhân và các tổ chức hỗ trợ, cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phục vụ mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có về biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững, đổi mới sáng tạo xanh và chuyển đổi hệ thống kinh tế theo hướng phát thải thấp, tuần hoàn là yêu cầu cấp thiết. Thứ trưởng kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan - từ khu vực công, tư nhân đến các tổ chức quốc tế - để hiện thực hóa khát vọng về một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xanh, hiệu quả và bền vững cho Việt Nam. Chính phủ cũng đang đề xuất các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân cho nhà đầu tư tham gia sàn giao dịch khởi nghiệp, miễn thuế cho kỹ sư, chuyên gia công nghệ cố vấn cho startup xanh, coi đây là hình thức đầu tư gián tiếp của Nhà nước vào các dự án khởi nghiệp xanh. Ngoài ra, việc xây dựng bản đồ startup xanh và khu đo lường tác động cho startup xanh cũng được đề xuất để thúc đẩy hiệu quả phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo xanh.

Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó khoảng 200-300 doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi xanh, chiếm 5-7% tổng số startup nhưng được kỳ vọng trở thành xu hướng phát triển bền vững trong tương lai. Một số startup tiêu biểu như GreenID, Sun Energy (năng lượng tái tạo), Buyo (vật liệu sinh học), Enfarm (nông nghiệp xanh), Dat Bike (giao thông xanh) đã góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, startup xanh vẫn đối mặt nhiều rào cản như hạn chế về vốn, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, thiếu nhân lực chất lượng cao và nhận thức thị trường còn thấp. Đặc biệt, “vốn xanh” - nguồn đầu tư dài hạn, chấp nhận rủi ro cho mục tiêu phát triển bền vững - vẫn là điểm nghẽn lớn nhất. Chính phủ đang hoàn thiện khung pháp lý, ưu tiên doanh nghiệp khởi nghiệp xanh trong đấu thầu, mua sắm công, đồng thời thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp lớn và startup xanh. Việc thành lập Quỹ Đổi mới sáng tạo xanh Việt Nam với sự tham gia của cả khu vực công và tư được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán vốn cho khởi nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, các chính sách nâng cao nhận thức cộng đồng, phát triển thị trường tiêu dùng xanh và giáo dục khởi nghiệp bền vững cũng đang được đề xuất triển khai rộng rãi.

Phiên thảo luận: Hợp tác thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành và đại diện các tổ chức quốc tế cùng trình bày và thảo luận các nội dung nổi bật như: cơ hội và thách thức đối với khởi nghiệp sáng tạo trong chuyển đổi xanh, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp xanh tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo xanh, tiềm năng hợp tác đa phương, cơ chế tài chính xanh và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, môi trường và xã hội trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Kết luận Diễn đàn, Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ Phạm Hồng Quất khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục là cầu nối giữa các chủ thể trong hệ sinh thái, đồng hành cùng các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và đối tác quốc tế để hiện thực hóa các sáng kiến phát triển bền vững thông qua đổi mới sáng tạo xanh.

NMK

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)