Theo đó, Luật Việc làm (sửa đổi) cần được điều chỉnh theo ba trọng tâm: Phát triển nhân lực số, hoàn thiện hạ tầng số của thị trường lao động và thúc đẩy việc làm sáng tạo. Về vấn đề phát triển nhân lực số, các đại ábiểu đề nghị bổ sung các quy định về phát triển kỹ năng số và nhân lực công nghệ cao; song song đó, đưa nguyên tắc “trọng dụng nhân tài” vào Luật để làm cơ sở thu hút, đãi ngộ chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ cao và khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người có trình độ chuyên môn sâu; cần có chính sách đào tạo lại để người lao động thích ứng với chuyển đổi số. Bên cạnh đó bổ sung nguyên tắc “mở dữ liệu” trong các quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động, nhằm bảo đảm dữ liệu thị trường lao động được công khai tối đa, để doanh nghiệp, người lao động dễ dàng khai thác thông tin, phân tích xu hướng việc làm, qua đó kết nối cung - cầu hiệu quả hơn.

Quang cảnh hội nghị (nguồn: TTXVN).
Ngoài việc kết nối với các cơ sở dữ liệu nhà nước, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định khuyến khích các nền tảng việc làm tư nhân kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia; yêu cầu ứng dụng AI, bigdata trong phân tích, dự báo thị trường lao động, giúp thông tin dự báo chính xác và kịp thời, nâng cao hiệu quả điều hành thị trường lao động. Về vấn đề thúc đẩy việc làm sáng tạo, cần hoàn thiện các quy định nhằm tạo động lực phát triển các hình thức việc làm mới, việc làm trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo... Liên quan đến việc kết nối hệ thống thông tin thị trường lao động với cơ sở dữ liệu khác, dự thảo Luật nên làm rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật khi kết nối, tránh tình trạng dữ liệu rời rạc, không đồng bộ; đồng thời, bổ sung cơ chế giám sát, kiểm định chất lượng dữ liệu, bảo đảm thông tin chính xác, minh bạch.
L.H