PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay, về ngành đường sắt, Nhà trường đang tập trung đào tạo 4 lĩnh vực cốt lõi gồm: hạ tầng, đầu máy toa xe, vận tải và khai thác vận tải. Trong những năm qua, Nhà trường đã không ngừng hoàn thiện, cập nhật chương trình đào tạo theo yêu cầu thực tiễn của ngành, đảm bảo tính hiện đại và phù hợp với xu hướng phát triển của hệ thống đường sắt. Đồng thời, chú trọng mở rộng và nâng cao chất lượng các ngành nghề, phát triển đội ngũ giảng viên, đầu tư vào cơ sở vật chất và đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo nền tảng vững chắc cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo ông Hoàng Gia Khánh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, những năm qua, Đảng và Chính phủ đang dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển đường sắt với mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, quyết định việc thực hiện thành công, có hiệu quả các dự án… được xem là nhiệm vụ quan trọng của Tổng công ty.
Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ cùng nhau triển khai các nội dung: phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tổ chức hội thảo khoa học, đào tạo và thực tập cho sinh viên, cũng như các hoạt động giao lưu, hỗ trợ cộng đồng.
Việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị đánh dấu sự khởi đầu cho nhiều chương trình hợp tác thiết thực trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực đường sắt, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Vũ Tùng