Thứ ba, 18/02/2025 14:45

Tối ưu các loại nguồn điện với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

Đây là đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo tham vấn về Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/02/2025 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/05/2023 với nhiều điểm mới so với các quy hoạch trước đây như “mang tính động và mở”, phát triển tối ưu các loại nguồn điện với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Để hoàn thành mục tiêu trên, phát triển điện lực phải luôn đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Nhiều đại biểu cho biết, ngày 25/11/2024 thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 trong đó có nội dung tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc tiếp tục triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với quy mô công suất khoảng 6000 MW sẽ có tác động đáng kể tới cơ cấu nguồn điện quốc gia.

Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 Chương. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã nghiên cứu, tính toán một số kịch bản, phương án khác nhau đảm bảo tính khách quan, khoa học, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đề án đã tuân thủ các văn kiện của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển năng lượng, quy hoạch tổng thể quốc gia, bám sát và tiếp thu đầy đủ các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước có liên quan.

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh sau khi hiệu chỉnh, hoàn thiện sẽ đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, bao gồm: Thứ nhất, phạm vi và nội dung quy hoạch tuân thủ và giải quyết đầy đủ các nhiệm vụ nêu trong Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch. Thứ hai, Quy hoạch điện VIII đã bám sát và cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển điện lực đến năm 2030. Thứ ba, Quy hoạch điện VIII đã rà soát đồng bộ các yếu tố, thông tin dữ liệu đầu vào, các ràng buộc tính toán, xem xét tính động và mở phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, kế thừa và phát triển tổng thể, tối ưu, đồng bộ, cân bằng giữa nguồn điện, phụ tải điện và lưới điện truyền tải… Do vậy, Quy hoạch điện VIII đã đảm bảo được tính khách quan, chính xác và tin cậy, hợp lý của các kết quả đầu ra của mô hình tính toán, đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho nền kinh tế với chi phí tối thiểu, góp phần đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng “0” năm 2050 của Việt Nam.

Lê Đức Nguyên

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)