Thứ sáu, 20/12/2024 15:26

Xác định được 756 loài và dạng loài loài động, thực vật ở khu vực hang Sơn Đoòng và phụ cận

Đây là một trong những kết quả của đề tài cấp quốc gia thuộc Chương trình 562 (Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025 ) “Nghiên cứu đa dạng sinh học hệ thống hang động Sơn Đoòng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững”. Đề tài do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ trì, PGS.TS Vũ Văn Liên chủ nhiệm.

Đề tài “Nghiên cứu đa dạng sinh học hệ thống hang động Sơn Đoòng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững” được phê duyệt thực hiện từ tháng 12/2021 đến tháng 11/2024 với mục tiêu: Đánh giá được mức độ đa dạng loài động vật, thực vật, đồng thời xác định được tính chất đặc thù các hệ sinh thái của hệ thống hang động Sơn Đoòng; có được bộ mẫu sinh vật thể hiện được tính đặc thù của hệ sinh thái hang động; bổ sung cơ sở dữ liệu về các loài động, thực vật cho cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của quốc gia và quốc tế (GBIF); đánh giá được tác động của con người và các nhân tố sinh thái đến các hệ sinh thái, nhằm đề xuất được các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững hệ thống hang động Sơn Đoòng.

Sau 3 năm thực hiện, đề tài đã xác định được 756 loài và dạng loài loài động, thực vật ở khu vực hang Sơn Đoòng và phụ cận; trong đó, thực vật là 204 loài, động vật có xương sống 183 loài (thú 17 loài, chim 79 loài, cá 15 loài, bò sát - lưỡng cư 72 loài), động vật không xương sống 369 loài (chân khớp hình nhện 64 loài, côn trùng 221 loài, giáp xác 6 loài, động vật đất 23 loài, thân mềm chân bụng 55 loài). Đặc biệt, đề tài đã mô tả một loài bò sát mới cho khoa học là Cyrtodactylus hangvaensis. Bổ sung cho Việt Nam 2 loài thực vật, 4 giống và 14 loài động vật không xương sống; bổ sung cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hơn 100 loài động vật. Kết quả bổ sung và làm giàu dữ liệu đa dạng sinh học các loài động vật, thực vật cho thế giới và Việt Nam nói chung, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nói riêng. Những phát hiện và công bố mới từ hệ thống hang động Sơn Đoòng góp phần quảng bá hang động Sơn Đoòng cũng như những giá trị đa dạng sinh học đặc biệt của hang động Sơn Đoòng trên thế giới. Qua đó, cộng đồng quốc tế cũng như trong nước biết đến hang Sơn Đoòng, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nhiều hơn.

GS.TS Phạm Văn Lầm - Chủ tịch Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp quốc gia nhận xét về kết quả thực hiện của đề tài.

Kết quả nghiên cứu quần xã hai nhóm động vật đất (nhiều chân) và thân mềm chân bụng (ốc cạn) ở trong và ngoài hang Sơn Đoòng cho thấy vùng tối hang Sơn Đoòng là hệ sinh thái đặc thù khác biệt với vùng sáng hang Sơn Đoòng; hố sụt trong hang Sơn Đoòng cũng là hệ sinh thái đặc thù, khác biệt với hệ sinh với hệ sinh thái phía ngoài hang Sơn Đoòng.

Bên cạnh đó, đề tài đã xây dựng bộ mẫu vật các loài động, thực vật hệ thống hang động Sơn Đoòng với 1528 mẫu của 431 loài thực vật và động vật; trong đó, thực vật 694 mẫu (278 tiêu bản) của 204 loài; côn trùng 716 mẫu của 187 loài; động vật thân mềm chân bụng 118 mẫu của 40 loài. Xây dựng bộ dữ liệu đa dạng sinh học 204 loài động vật, thực vật hệ thống hang động Sơn Đoòng và phụ cận; trong đó thực vật 50 loài, động vật có xương sống 79 loài, động vật không xương sống 75 loài. Giải mã trình tự 300 mẫu động vật, thực vật; trong đó 197 mẫu động vật (78 mẫu động vật có xương sống, 119 mẫu động vật không xương sống) và 103 mẫu thực vật của  97 loài/dạng loài và xây dựng 132 mã vạch DNA (26 mã vạch thực vật: 18 mã vạch vùng gen matK và 8 mã vạch vùng gen ITS; mẫu động vật 106 mã vạch: 78 mã vạch vùng gen COI và 28 mã vạch vùng gen 16S) gửi lên Ngân hàng gen quốc tế NCBI.

Nghiên cứu đánh giá các tác động đến hang động và đề xuất bảo tồn hệ thống hang động Sơn Đoòng cho thấy môi trường không khí ngoài hệ thống hang Sơn Đoòng và lân cận hoàn toàn bình thường. Không thấy có sự tác động ảnh hưởng đáng kể của con người, bao gồm các hoạt động sản xuất, phát triển du lịch, đến các hệ sinh thái tự nhiên hang động Sơn Đoòng và phụ cận. Các hang động khu vực nghiên cứu, nhất là các hang động chính khu vực nghiên cứu (hang Én và Sơn Đoòng) hàng năm bị ngập nước 15 đến 20 m, có thể gây bồi lắng và phá vỡ thạch nhũ, ảnh hưởng không nhỏ tới hang động nói chung, đa dạng sinh học trong các hang động nói riêng.

Ngoài những kết quả nghiên cứu về khoa học nêu trên, đề tài đã công bố được 12 bài báo trên các tạp chí uy tín, trong đó có 4 bài đăng trên tạp chí quốc tế; công bố 883 dữ liệu (Occurrences) các loài động vật, thực vật trên GBIF (Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học toàn cầu), góp phần giới thiệu, tuyên truyền về hang động Sơn Đoòng, những dữ liệu này cũng là nguồn tham khảo có giá trị cho các nghiên cứu về đa dạng sinh học hang động trên thế giới và Việt Nam. Tổ chức trưng bày 50 ảnh và mẫu vật tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, thu hút hơn 5.500 lượt khách tham quan. Qua bộ ảnh trưng bày, nhiều khách tham quan đã biết đến vẻ đẹp và sự hùng vĩ cũng như những giá trị di sản thiên nhiên của hang động Sơn Đoòng, góp phần tuyên truyền, giới thiệu về hang động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới nói riêng, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nói chung.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, đề tài đã đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên khu vực nghiên cứu như: nâng cao nhận thức bảo tồn; nghiên cứu và giám sát môi trường; bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, hợp tác quốc tế và đa ngành.

Với những kết quả đạt được, đề tài đã được Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp quốc gia do GS.TS Phạm Văn Lầm làm Chủ tịch đánh giá xếp loại Đạt

Công Thường (Bài viết hợp tác giữa Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)