Tại Việt Nam, thương mại điện tử ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp và người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia, thương mại điện tử giúp cho doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng hơn trong việc giới thiệu, giao sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức cho giao dịch trên mạng, công tác quản lý giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật về thuế...
Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành cần: tiếp tục rà soát Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử; tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua thương mại điện tử; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn thương mại điện tử, bảo đảm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đều được xác thực danh tính khi tham gia cung cấp, trao đổi hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, tránh thất thu thuế và các hành vi gian lận; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng…
CT