Thứ hai, 18/11/2024 10:41

Đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững

Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa phối hợp với Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam và Đại học Troy (Hoa Kỳ) tổ chức Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề “Đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững”. Diễn đàn là một trong những sự kiện quan trọng kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Trường ĐHKT (1974-2024); kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và hướng tới dấu mốc 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (1995-2025).

Trong những năm qua, Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 08 của Hoa Kỳ và là đối tác thương mại quan trọng nhất trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, trung bình 16% mỗi năm. Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 88 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 77,9 tỷ USD (tăng 24,5%), còn nhập khẩu từ Hoa Kỳ là 9,8 tỷ USD (tăng 5,3%). Đặc biệt, Hoa Kỳ lần đầu tiên trở thành thị trường lớn nhất cho nông - lâm - thủy sản của Việt Nam, với kim ngạch đạt 8,58 tỷ USD, chiếm 21,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này. Về đầu tư, Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.340 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 11,8 tỷ USD.

Chia sẻ tại Diễn đàn, các đại biểu khẳng định những kết quả đạt được, đặc biệt trong giao thương kinh tế kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995: Việt Nam và Hoa Kỳ đã chứng kiến những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố lòng tin và thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; thương mại, hợp tác và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững (từ năm 1995-2023, thương mại song phương đã tăng từ 450 triệu USD lên hơn 100 tỷ USD, bất chấp những thách thức như đại dịch và bất ổn kinh tế toàn cầu… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế trong phát triển mà Việt Nam cần khắc phục trong thời gian tới như: Việt Nam có độ mở thị trường thuộc hàng lớn nhất thế giới, dẫn tới sự thiếu ổn định và đặc biệt dễ tổn thương trong một số tình huống; vấn đề thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ; tính bền vững của trạng thái nhân khẩu học của Việt Nam; năng suất lao động thấp của khu vực kinh tế nhà nước đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam; sự phụ thuộc quá nhiều vào lao động giá rẻ với năng suất thấp hơn đáng kể so với các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia…

Các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp đối với Việt Nam như: để hướng tới phát triển bền vững cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn cũng như chú trọng sự hợp tác giữa các bên; cần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển kỹ năng cho người lao động; khẩn trương phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với việc tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và công ty vừa và nhỏ... Đây là những điểm mấu chốt để nâng cao chất lượng lao động.

Ngoài các tham luận trong phiên khai mạc, các đại biểu còn tham gia hai phiên thảo luận bàn tròn về: Hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ; Hợp tác đổi mới sáng tạo và giáo dục hướng tới phát triển bền vững.

VH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)