Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, Bộ KH&CN luôn sẵn sàng đồng hành cùng các nhà khoa học trong việc nghiên cứu các tai biến thiên nhiên. Trước những diễn biến trượt lở, nứt đất tại Tây Nguyên, Bộ KH&CN và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá sơ bộ hiện trạng, nguyên nhân, làm căn cứ cho các đề xuất, định hướng tiếp theo. Bộ KH&CN mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, các đề xuất từ các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trong quá trình phát hiện, giám sát, cảnh báo và chỉnh trị nhằm giảm thiểu các thiệt hại do các tai biến thiên tai tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên nói riêng và trên toàn lãnh thổ Việt Nam nói chung.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Trần Tuấn Anh chia sẻ tại hội thảo.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Trần Tuấn Anh chia sẻ, tai biến thiên nhiên, trong đó có tai biến địa chất như trượt lở, nứt đất, sụt lún, động đất, sạt lở, xói lở bờ sông, bờ biển đã và đang gây ra những thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh tế, giao thương. Chỉ trong 2 tháng (7 và 8 năm 2023), hàng loạt các vụ trượt lở, sạt trượt, nứt đất đã xảy tại Tây Nguyên. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ nhiều năm qua, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Qua đó, cần có các nghiên cứu chuyên sâu giai đoạn 2025-2030. Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu phương pháp công nghệ giám sát, cảnh báo sớm tai biến địa chất trên diện rộng và điểm phù hợp với điều kiện khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu điều kiện địa kỹ thuật đô thị và khu dân cư trọng điểm phục vụ giảm thiểu thiệt hại do tai biến địa chất 2 khu vực này gây ra.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về thực trạng, nguyên nhân dẫn tới xuất hiện hàng loạt các vụ trượt lở, nứt đất ở các khu vực nam Tây Nguyên cũng như tình hình sạt lở sông, biển ở Đồng bằng sông Cửu Long và các loại thiên tai khác tại Việt Nam. Các kiến nghị cũng như đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách cần thực hiện trong thời gian tới như: các biện pháp xử lý các vị trí trượt lở, sạt lở, nứt đất để giảm thiểu thiệt hại thiên tai; chú trọng tới các giải pháp kỹ thuật công nghệ giám sát, cảnh báo sớm tai biến trượt lở, sạt lở, nứt đất theo diện rộng và theo điểm; tăng cường sự phối kết hợp giữa các ban, ngành của địa phương với các tổ chức khoa học để nghiên cứu, nhận diện và xử lý các tai biến…
Đoàn Khải