Viện Trần Nhân Tông là viện nghiên cứu khoa học, đồng thời là cơ sở giáo dục đại học thành viên thuộc ĐHQGHN. Trải qua 5 năm hình thành và phát triển, Viện đã có những bước đi vững chắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, ngày càng khẳng định được vị thế, uy tín nghiên cứu chuyên sâu về Phật học và tư tưởng Trần Nhân Tông trong nước và quốc tế.
Tại Lễ kỷ niệm, Lãnh đạo Viện Trần Nhân Tông cho biết, từ ngày thành lập đã đặt ra giá trị cốt lõi và khẩu hiệu hành động: “Khoa học và minh triết; sáng tạo cùng nhân văn; vì phồn vinh đất nước; rạng tỏa đạo Vua Trần” với sứ mệnh nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, tư tưởng và bản sắc dân tộc, di sản tinh thần Trần Nhân Tông, văn hóa đời Trần và văn hóa truyền thống nói chung; là trung tâm giao lưu, tập hợp nhà nghiên cứu về Trần Nhân Tông trên khắp thế giới để phát triển bền vững. 5 năm qua, Viện đã dần khẳng định được uy tín học thuật, bắt đầu có ảnh hưởng tốt đối với hệ thống nghiên cứu về Phật học trong nước và lan tỏa trên thế giới, bắt đầu được biết đến với tư cách một viện nghiên cứu xuất sắc về Phật học và văn hóa truyền thống Việt Nam.
Định hướng hoạt động trong thời gian sắp tới, Viện xác định mục tiêu tiếp tục tận dụng cơ hội thuận lợi và sự phát triển bứt phá trên phương diện nguồn nhân lực khoa học, cơ sở vật chất và các nghiên cứu khoa học. Phát triển nhân lực tại chỗ, thu hút các học giả trong và ngoài nước tới làm việc. Về hoạt động khoa học, Viện sẽ đặc biệt đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu hướng tới giải quyết một số vấn đề học thuật mang tính hàn lâm của Phật giáo Trúc Lâm và lịch sử Phật giáo Việt Nam, triển khai các đề tài nghiên cứu về Phật giáo đương đại... Thực hiện tốt Dự án Kinh điển Phương Đông, phấn đấu tới thời điểm kỷ niệm 10 năm thành lập Viện (năm 2026) sẽ xuất bản xong 150 tập sách theo kế hoạch.
Có thể khẳng định, việc Chính phủ quyết định thành lập Viện Trần Nhân Tông là dấu mốc quan trọng không chỉ với ĐHQGHN mà còn có ý nghĩa chung với nền giáo dục nước nhà, bởi đây là lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục và nghiên cứu khoa học quốc gia có một đơn vị đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu về Phật học và tư tưởng Trần Nhân Tông. Cũng lần đầu tiên, chương trình đào tạo bậc tiến sỹ về Phật học được đưa vào triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện đại.
Cùng ngày, Viện Trần Nhân Tông đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cư sĩ Phật giáo trong lịch sử” đây là hoạt động trong chuỗi kỷ niệm 730 năm Tuệ Trung Thượng sĩ viên tịch. Hội thảo được diễn ra bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp trên nhiều điểm cầu trong cả nước. Các nhà khoa học đã trình bày nhiều tham luận về vai trò, giá trị tư tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông; làm rõ hơn về giá trị của Phật giáo với xã hội Việt Nam.
VVH