Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm gì để phấn đấu đến năm 2020 có 500 ngàn doanh nghiệp, trong đó có 2 ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup).
TP.Hồ Chí Minh tập trung hoàn thiện hạ tầng hệ sinh thái khởi nghiệp (Ảnh minh họa: KT)
Với số vốn ban đầu 70 triệu đồng, anh Đỗ Hữu Tân, tốt nghiệp Đại Trường học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh ngành điện tử, khởi nghiệp với một ý tưởng kinh doanh khá mới là hộp hô biến Magix. Đây là loại hộp giấy thân thiện với môi trường, tái sử dụng và thuận tiện trong vận chuyển, giao hàng cho các kênh bán hàng thương mại điện tử. Hộp này, sau khi đựng hàng hóa có thể dùng làm khung hình, móc treo đồ…
Với ý tưởng đó, năm 2015 anh thành lập Công ty Giải pháp đóng gói Magix Việt Nam. Hiện nay, doanh thu mỗi tháng của công ty hơn 200 triệu đồng. Doanh nghiệp cũng đang đàm phán với các hãng vận chuyển và trang thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước như shopee, lazada… để cung cấp các giải pháp đóng gói hàng hóa.
Thành công là thế nhưng anh Đỗ Hữu Tân cho rằng còn rất nhiều khó khăn mà các doanhnghiệp khởi nghiệp đang phải đương đầu. Ông cho biết, thủ tục bảo hiểm xã hội và thủ tục thuế tương đối phức tạp. Nhiều cơ quan chức năng chưa phân biệt biệt được doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập và Startup cần gì. Các Startup thường bị kéo lại tốc độ tăng trưởng. Anh Tân cho rằng, nếu thủ tục đó giải quyết thông thoáng thì tốt hơn cho doanh nghiệp.
Một khó khăn khác nữa của Startup là từ các ý tưởng khởi nghiệp đến thực hiện và thương mại hóa sản phẩm thị ra trường là một bước khá xa. Vì các Startup còn thiếu vốn và kinh nghiệm, trong đó rất cần đội ngũ tư vấn hỗ trợ. Đội ngũ này là những người dày dạn kinh nghiệm và các doanh nghiệp đã có nhiều thành công. Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Thái Sơn cho rằng: Doanh nghiệp khởi nghiệp rất yếu về những quy định về pháp lý. Họ chỉ nắm vững sản phẩm và thị trường nên nếu xây dựng được hệ thống pháp lý hoàn thiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp thì càng tốt. Vì có khi những ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp nhiều khi không chờ các quy định của pháp luật.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 20 vườn ươm của các viện, trường và doanh nghiệp. Các vườn ươm này thời gian qua đã hỗ trợ cho 86 dự án khởi nghiệp. Trong đó, một số dự án nghiệm thu chất lượng tốt. Tuy nhiên, việc thương mại các dự án, đưa sản phẩm này ra thị trường còn rất hạn chế. Các Startup cần nguồn vốn để phân phối sản phẩm, phát triển kênh phân phối, xây dựng thương hiệu …
Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì ý tưởng kinh doanh của các Startup thường mạo hiểm và nhiều rủi ro nên cần phải có Quỹ đầu tư Thiên thần. Điều này Việt Nam có thể học từ nhiều quốc gia đã khởi nghiệp thành công bằng cách huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp và cộng đồng. Vấn đề còn lại là cơ quan chức năng cần những quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế chính sách để huy động, sử dụng nguồn vốn này. Đây cũng điều mà các Startup và các nhà đầu tư đang mong chờ. Hiện đang có nhiều nhà đầu tư muốn rót vốn vào quỹ này.
Ông Nguyễn Hùng Phong, Giám đốc Trung tâm Phát triển khởi nghiệp, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói: Nguồn quỹ này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp ở giai đoạn từ ý tưởng và đổi mới. Cái tương tác này sẽ là vai trò của Nhà nước sẽ là trung tâm điều phối đừng để từng bộ tương tác riêng lẻ thì sẽ không hiệu quả và hiệu suất không cao.
Để hỗ trợ các Startup, thành phố sẽ thành lập trung tâm khởi nghiệp, trung tâm này sẽ tư vấn, hỗ trợ, kết nối các vườn ươm và kết nối các ý tưởng với doanh nghiệp… Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Chủ tịch UBND thành phố và Bộ Khoa học- Công nghệ đã ký hợp tác về hợp tác hỗ trợ về khoa học công nghệ ưu tiên xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiêp, thiết lập thí điểm về cơ chế tài chính cho các doanh nghiêp khởi nghiệp. Chúng tôi sẽ có hội nghị về vườn ươm để liên kết và kêu gọi đầu tư từ đó sẽ khơi thông và huy động được nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nếu Thành phố Hồ Chí Minh sớm hoàn hiện cơ chế, chính sách cho hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho nhiều Startup thành công, tạo bước đột phá trong tăng trưởng của nền kinh tế và thiết lập một diện mạo mới của doanh nghiệp thành phố.
Bài và ảnh: Lệ Hằng/ST (VOV.VN)
http://vov.vn/khoi-nghiep/tphcm-tap-trung-hoan-thien-ha-tang-he-sinh-thai-khoi-nghiep-627570.vov