Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và nhu cầu phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp thiết, chuyển dịch năng lượng đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn thế giới. Các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đang nỗ lực chuyển từ mô hình năng lượng truyền thống - phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch - sang mô hình sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thuỷ điện nhỏ và sinh khối.
Một trong những thách thức lớn đi kèm với quá trình chuyển dịch này là đảm bảo an ninh năng lượng và cung ứng điện ổn định, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng. Việc phát triển lưới điện thông minh, nâng cao khả năng lưu trữ năng lượng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối, cùng với việc áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý vận hành hệ thống điện là những yếu tố then chốt.
Bà Nguyễn Thúy Ninh - Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng, Trường Đại học Điện lực cho biết, cùng với xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc tối ưu hóa sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện. Để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước, các nhà máy nhiệt điện đang áp dụng phương pháp đồng đốt để nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu.
Để tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải của hệ thống thủy điện và nhiệt điện, ông Trần Hoàng Hiệp - Khoa Kỹ thuật Điện, Trường Đại học Điện lực đã đề xuất mô hình tối ưu hóa điều độ phát triển của hệ thống thủy điện cụ thể như: đối với thủy điện bậc thang bắt buộc phải khảo sát yếu tố ngẫu hợp thủy lực, thời gian trễ dòng chãy giữa các thủy điện thượng lưu và hạ hưu, khả năng tích nước…

Bà Nguyễn Thúy Ninh - Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng, Trường Đại học Điện lực chia sẻ tại Hội thảo.
Bên cạnh đó, các chuyên gia như Trần Thị Nhàn, Nguyễn Hữu Đức và Đinh Văn Thìn đến từ Trường Đại học Điện lực cũng đã chia sẻ các thông tin về hiện trạng và tiềm năng phát triển chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam; việc nghiên cứu và phát triển điện gió tại Trường Đại học Điện lực.
Các chuyên gia cho rằng, xu hướng hiện nay đang nghiêng về việc đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường hợp tác khu vực trong trao đổi điện, đẩy mạnh đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và xây dựng các cơ chế thị trường điện cạnh tranh minh bạch. Đồng thời, các chính sách về định giá carbon, ưu đãi đầu tư xanh và cam kết giảm phát thải khí nhà kính đang góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững.
Phong Vũ