Vũ Duy Diệu, Đoàn Thị Hồng Vân, Tạ Bích Thuận, Võ Thị Thương Lan*
*Tác giả chính: email: vothithuonglan@hus.edu.vn
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Trong nghiên cứu này, các tác giả sử dụng plasmid tái tổ hợp và ADN của dòng tế bào ung thư PC3 (có 1 bản sao của gen BRCA1 bị methyl hóa) để xây dựng đối chứng chuẩn cho kỹ thuật MS-PCR (methylation-specific polymerase chain reaction), kỹ thuật phát hiện sự methyl hóa cytosine. Kết quả cho thấy, độ nhạy phát hiện cao nhất với plasmid dạng thẳng đạt 6 bản copy BRCA1 bị methyl hóa/10000 bản copy BRCA1 không bị methyl hóa, trong khi độ nhạy phát hiện với plasmid dạng vòng và siêu xoắn đạt 126 copy BRCA1 bị methyl hóa/10000 bản copy BRCA1 không bị methyl hóa. Khi sử dụng ADN tách chiết từ dòng tế bào PC3, kỹ thuật MS-PCR cho phép phát hiện 2 bản sao BRCA1 bị methyl hóa. Kết quả thu được hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu trước đó khi sử dụng plasmid ở dạng thẳng đảm bảo độ nhạy cao hơn so với plasmid ở dạng siêu xoắn. Plasmid tái tổ hợp dạng thẳng được chọn làm đối chứng chuẩn trong bộ sinh phẩm phát hiện BRCA1 bị methyl hóa ở các mẫu bệnh phẩm ung thư vú.