Phân chia địa tầng Pliocen - Đệ tứ ở phía đông thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở tài liệu trùng lỗ và tảo vôi
Thứ sáu, 28/08/2020 08:15

Hóa thạch trùng lỗ (foraminifera) và tảo vôi (calcareous nannofossil) được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu sinh địa tầng trầm tích biển do chúng tiến hóa nhanh và phân bố rộng. Qua nhiều năm nghiên cứu các trầm tích Pliocen-Đệ tứ ở phía đông thềm lục địa Việt Nam thông qua các giếng khoan thăm dò dầu khí, nhóm tác giả nhận thấy hai nhóm sinh vật trên thực sự là công cụ hiệu quả để phân chia chi tiết địa tầng các trầm tích này. Các giếng khoan A, B, C, D, E và F được chọn đại diện cho khu vực nghiên cứu. Áp dụng các tiêu chuẩn phân đới trùng lỗ trôi nổi “N” Blow và “PL” & “PT” Wade và nnk; tiêu chuẩn phân đới tảo vôi “NN” Martinii và “CNPL” Backman và nnk, bảng phân chia địa tầng và các đới sinh vật cho các trầm tích Pliocen-Đệ tứ ở phía đông thềm lục địa Việt Nam đã được đưa ra. Theo nghiên cứu, trầm tích Pliocen sớm được giới hạn trong các đới trùng lỗ PL1-PL3/phần trên N18-N19, tương ứng với các đới tảo vôi CNPL1-CNPL3/NN12-NN15. Trầm tích Pliocen muộn gồm các đới trùng lỗ PL4-PL6/N20-N21, tương ứng với các đới tảo vôi CNPL4-CNPL6/NN16-NN18. Trầm tích Pleistocen sớm đặc trưng bởi phụ đới trùng lỗ trôi nổi PT1a/phần dưới N22, tương ứng với các đới tảo vôi CNPL6-CNPL10/NN19. Trầm tích Pleistocen muộn-Holocen gồm phụ đới trùng lỗ trôi nổi PT1b và đới tảo vôi CNPL11/NN20-NN21. Kết quả cho thấy sự phù hợp của phân chia địa tầng ở khu vực nghiên cứu với các tiêu chuẩn phân đới chuẩn trong giai đoạn Pliocen-Đệ tứ ở vùng biển Thái Bình Dương và vĩ độ thấp. Đây là tiền đề áp dụng cho các nghiên cứu và liên kết địa tầng ở thềm lục địa Việt Nam và các khu vực lân cận.

Mô hình giải tích đáp ứng khí động học của một kết cấu mảnh theo phương tác động của gió
Thứ sáu, 28/08/2020 08:35

Các kết cấu thẳng đứng như cột ăng-ten, nhà cao tầng và tháp trụ thường rất nhạy cảm với tác động của gió, gây ra chuyển vị lớn do dao động. Do bản chất phức tạp của gió, việc đưa ra mô hình giải tích phù hợp để phân tích, đánh giá chính xác các đáp ứng khí động lực học của kết cấu mảnh là rất khó khăn. Những tiêu chuẩn hiện hành cung cấp nhiều mô hình khác nhau để tính toán các đáp ứng của kết cấu do tác động của gió nhưng bị giới hạn ở các giả thiết cơ bản. Bài báo này giới thiệu một mô hình giải tích mở rộng để tính toán đáp ứng chuyển vị của kết cấu mảnh thẳng đứng theo phương tác động của gió, trong đó có xét đến các tác động của các thành phần khác nhau của dòng rối khí quyển. Ví dụ số cho kết cấu thực tế sẽ minh họa cho phần lý thuyết và chỉ ra những hạn chế trong các cách tính toán phổ biến.

Phân tích đột biến EGFR trong mẫu mô phủ paraffin và một số yếu tố liên quan ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ trên 60 tuổi
Thứ năm, 30/07/2020 08:35

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định được tỷ lệ và phân tích một số yếu tố liên quan đột biến gen EGFR ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) trên 60 tuổi. Phương pháp và đối tượng nghiên cứu: phát hiện đột biến EGFR bằng kỹ thuật Strip Assay từ mẫu mô của 351 bệnh nhân UTPKTBN điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2017-2018. Kết quả cho thấy, tỷ lệ đột biến gen EGFR là 38,2%, bao gồm: đột biến mất đoạn exon 19 (48,6%), đột biến điểm trên exon 21 (41,6%), đột biến điểm trên exon 18 (4,9%) và đột biến kháng thuốc T790M trên exon 20 (4,9%). Tỷ lệ đột biến ở nữ (66,7%) cao hơn ở nam (27,5%), ở người không hút thuốc lá (53,3%) cao hơn ở người hút thuốc (30,3%). Kết luận: tỷ lệ đột biến EGFR ở bệnh nhân UTPKTBN trên 60 tuổi tương đối cao, trong đó vị trí hay đột biến nhất là exon 19 và 21. Đột biến thường hay gặp ở nữ giới, người không hút thuốc lá, giá trị maxSUV khối u phổi nguyên phát của nhóm bệnh nhân có đột biến gen thấp hơn so với nhóm không đột biến.

Nghiên cứu khả năng nhân giống bằng hạt và sinh trưởng của cây Riềng ấm (Alpinia Zerumbet (Pers)) có nguồn gốc từ Nhật Bản
Thứ năm, 30/07/2020 08:15

Trong điều kiện tự nhiên, cây Riềng ấm (Alpinia Zerumbet (Pers)) chỉ phát triển ở một số khu vực, hạt khó nảy mầm. Nghiên cứu này nhằm đánh giá một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng nảy mầm của hạt Riềng ấm. Hạt Riềng ấm phơi khô được ngâm ủ ở các nhiệt độ và với lượng GA3 khác nhau cho tỷ lệ nảy mầm khác nhau. Ở nhiệt độ 400C, tỷ lệ nảy mầm đạt 75, 88, 87 và 86% tương ứng với các nồng độ GA3 là 5, 10, 20 và 30 ppm. Quá trình nảy mầm của hạt bắt đầu diễn ra từ ngày thứ 10 sau khi ủ và kết thúc vào ngày thứ 22. Hạt sau khi nảy mầm được gieo vào khay nhựa với giá thể là 80% đất phù sa sông Hồng + 20% phân vi sinh, cho tỷ lệ sống là 97%, chiều cao cây trung bình sau 45 ngày đạt 7,6-8,1 cm.

Thương mại biên giới của Việt Nam, Thực trạng và một số vấn đề đặt ra
Thứ ba, 28/04/2020 08:55

Hợp tác kinh tế biên giới, nhất là thương mại giữa các quốc gia láng giềng là một xu thế đang ngày càng tỏ rõ hiệu quả vì lợi ích chung của các bên tham gia, đặc biệt với các quốc gia có đường biên giới dài như Việt Nam. Bài viết chỉ ra rằng, hoạt động thương mại giữa Việt Nam với ba nước láng giềng có chung đường biên giới nhìn chung có sự gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là quan hệ thương mại Việt - Trung. Tuy nhiên, Chính phủ và các địa phương cần có các giải pháp cho các vấn đề lớn đặt ra, như vấn đề về cơ sở hạ tầng, các khó khăn trong phát triển cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương cũng như sự thống nhất, hài hoà về chính sách với quốc gia láng giềng.