Nguyễn Minh Lân1, Phạm Bá Quyền1,Đào Văn Dũng1, Phùng Anh Đào2, Nguyễn Văn Đản3
1 Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc
2Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản
3Hội Địa chất thủy văn Việt Nam
Vùng ven sông Hồng từ đỉnh Đồng bằng Bắc Bộ đến khoảng hết khu vực nội thành của thành phố Hà Nội có cấu trúc hở, liên tục tồn tại cửa sổ địa chất thủy văn. Ở đó, nước của các tầng Holocen (qh) và Pleistocen (qp) và sông Hồng có quan hệ thủy lực rất chặt chẽ. Nếu tận dụng tất cả diện tích ven 2 bờ sông và các cồn nổi giữa sông ở vùng cấu trúc hở để xây dựng các công trình khai thác nước có thể đạt được trữ lượng khai thác 2.517.300 m3/ng, kể cả các công trình khai thác đang hoạt động. Nếu kết hợp điều chỉnh một cách hợp lý vị trí các công trình khai thác ven sông đang hoạt động có thể nâng trữ lượng khai thác đến 3.506.400 m3/ng. Để có được trữ lượng khai thác lớn nêu trên, cần có các biện pháp kỹ thuật thi công giếng khoan phù hợp như khoan tuần hoàn ngược, khoan thổi rửa ngược, kết cấu giếng khoan đảm bảo khai thác lưu lượng lớn. Xây dựng các công trình khai thác ven sông Hồng và cồn nổi cần có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ công trình khai thác nước trong điều kiện ngập lụt và xói lở xảy ra thường xuyên, đồng thời cũng cần đánh giá tác động của việc khai thác nước dưới đất đến môi trường và các công trình xây dựng.