Đỗ Thị Phúc* , Phạm Quỳnh Hoa
*Tác giả liên hệ: Email: dothiphuc13380@yahoo.com
Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Lúa là cây lương thực quan trọng và có giá trị kinh tế của Việt Nam. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu mà nguy cơ đất bị nhiễm mặn đã và sẽ trở thành yếu tố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng lúa gạo ở nước ta. Vì vậy, việc chọn tạo giống lúa chịu mặn là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu. HKT (high affinity potassium transporter) là họ protein có vai trò vận chuyển ion ở thực vật. Protein HKT được chứng minh tham gia vận chuyển ion Na+ vào tế bào và có liên quan đến khả năng chịu mặn của cây lúa. Trong nghiên cứu này, các tác giả tiến hành đánh giá mức độ biểu hiện của gen OsHKT2;1 mã hóa cho protein HKT2;1 ở cây lúa bằng phương pháp RT-PCR bán định lượng. Thí nghiệm được tiến hành trên giống lúa Nipponbare (giống chuẩn nhiễm mặn) và Pokkali (giống chuẩn kháng mặn) với điều kiện xử lý mặn ở nồng độ 50 và 100 mM NaCl trong dải thời gian là 24, 48 và 72 giờ. Kết quả cho thấy, mức độ biểu hiện của gen OsHKT2;1 ở giống Nipponbare tăng lên sau 24 giờ xử lý mặn ở nồng độ 100 mM NaCl nhưng lại giảm dần và trở về mức bình thường sau 72 giờ xử lý mặn. Tuy nhiên, ở giống Pokkali thì mức độ biểu hiện của gen OsHKT2;1 lại không thay đổi trong điều kiện mặn. Trong điều kiện bình thường (không xử lý mặn), mức độ biểu hiện của OsHKT2;1 ở mô lá của giống Nipponbare là cao hơn so với giống Pokkali. Như vậy, sự khác biệt trong mức độ biểu hiện của gen OsHKT2;1 có thể có liên quan đến mức độ kháng mặn khác nhau ở hai giống lúa nghiên cứu. Kết quả của nghiên cứu bước đầu cung cấp thông tin hữu ích cho công tác chọn tạo giống lúa chịu mặn.