Chu Văn Ngợi1*, Trần Nghi1 , Trần Hữu Thân1 Cao Đình Triều2 , Nguyễn Trọng Tín3
* Tác giả chính: Email: ngoicv@vnu.edu.vn
1 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
2 Viện Địa vật lý Ứng dụng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
3 Viện Dầu khí
Đã có nhiều mô hình về cơ chế hình thành và phát triển Biển Đông của các tác giả trong nước và nước ngoài. Các mô hình này hết sức đa dạng và phong phú, song có nét chung là xem xét mở Biển Đông được gây bởi một nguồn lực duy nhất. Trên cơ sở phân tích các sự kiện kiến tạo, các mô hình mở Biển Đông, minh giải các băng địa chấn, phân tích các cấu tạo phá hủy, phân tích các tổ hợp thạch kiến tạo, tập thể tác giả đề xuất mô hình mở Biển Đông dựa trên sự kết hợp 3 nguồn lực: nguồn lực gây bởi đụng độ mảng dẫn đến chuyển động thúc trồi, nguồn lực gây bởi hoạt động hút chìm và nguồn lực sâu manti. Vai trò các nguồn lực này không như nhau và được đánh giá theo 3 giai đoạn phát triển Biển Đông: giai đoạn trước tách giãn (trước 32 triệu năm), khu vực Biển Đông bị chi phối bởi các nguồn lực: hoạt động hút chìm, nguồn lực sâu manti và đụng độ mảng; giai đoạn tách giãn (32 triệu năm đến 17 triệu năm): nguồn lực sâu manti đóng vai trò chủ đạo, còn trượt trái của đứt gãy sâu Sông Hồng đóng vai trò cú hích khởi đầu của quá trình tách giãn; và giai đoạn sau tách giãn (từ 17 triệu năm đến nay) với hai thời kỳ đặc trưng: thời kỳ sụt lún bồn (từ Miocen giữa đến Miocen muộn) và thời kỳ sụt lún khu vực (N2-Q) bị chi phối bởi nguồn lực sâu manti, ngoài ra ở thời kỳ sụt lún khu vực còn chịu ảnh hưởng của đới hút chìm Philippin và dịch trượt phải của đứt gãy sâu Sông Hồng. Thời kỳ này đóng vai trò hình thành nên diện mạo Biển Đông ngày nay.