Việt Nam là điểm nóng của các bệnh sán lá ký sinh ở người và động vật. Việc kiểm soát bệnh sán lá đã và đang được thực hiện, tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ: phương thức chăn nuôi còn lạc hậu; những món ăn truyền thống có khả năng chứa mầm bệnh như rau sống, gỏi cá... vẫn còn được sử dụng; do sự di dân dẫn đến tạo ra các ổ dịch mới, hay còn do sự phức tạp trong vòng đời của sán lá. Kiểm soát vật chủ trung gian I của sán lá - ốc nước ngọt là một trong những biện pháp làm giảm tỷ lệ nhiễm sán lá. Có nhiều cách để kiểm soát quần thể ốc, tuy nhiên vấn đề đặt ra là tính hiệu quả của các biện pháp này bởi sự phục hồi nhanh về số lượng cá thể trong quần thể của chúng. Loài cá trắm đen (Mylopharyngodon piceus) là loài bản địa, phân bố ở miền Bắc Việt Nam, chúng sử dụng động vật nhuyễn thể làm thức ăn. Loài cá này có thể sử dụng như tác nhân sinh học để khống chế quần thể ốc trong ao, qua đó kiểm soát bệnh sán lá ở các ao nuôi. Biện pháp này có thể áp dụng ở cả ao nuôi cá giống và ao nuôi cá thịt - đây là các điểm nóng của việc lan truyền bệnh sán lá; hiệu quả của biện pháp này sẽ tăng thêm khi phối hợp với các biện pháp làm giảm mật độ ốc như cải tạo ao nuôi và quản lý chất thải.