Nguyễn Thị Kim Ngân1*, Nguyễn Thị Thương2, Nguyễn Đăng Mão1, Đặng Tấn Tài3, Bạch Long Giang2
*Tác giả chính: nguyenkimngan1912@gmail.com
1Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
2Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
3Trung tâm Kỹ thuật nhựa - cao su và Đào tạo quản lý năng lượng TP Hồ Chí Minh
Nghiên cứu này khảo sát sự tác động của hỗn hợp titan đioxit (TiO2) và benzophenon (BP) lên sự phân hủy màng polyethylen tỷ trọng thấp (LDPE) trong môi trường UV nhân tạo và dưới ánh sáng mặt trời. LDPE được phối trộn với hỗn hợp của polyethylen-co-vinyl acetat (EVA) và các chất khơi mào quang hóa bằng phương pháp trộn nóng chảy. Hình thái cấu trúc và tính chất cơ học của màng LDPE trước và sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong 3 tháng được xác định thông qua kính hiển vi điện tử quét (SEM), quang phổ hồng ngoại
(FTIR) và kiểm tra tính chất cơ lý. Kết quả cho thấy, tỷ lệ tối ưu của TiO2 và BP là 1/3 (wt%) được xác định thông qua chỉ số cacbonyl (CI) của màng trong môi trường UV nhân tạo ở 72 giờ. Màng LDPE có chứa 4,5 phr EVA và 0,5 phr các chất quang hóa TiO2/BP (1/3) bị phân hủy nhanh nhất dưới ánh sáng mặt trời. CI của màng có chứa các chất phụ gia tăng dần theo thời gian và cao hơn đáng kể so với màng LDPE ban đầu. Ngoài ra, độ kết tinh tăng và nhiệt độ phân hủy giảm được thể hiện lần lượt thông qua dữ liệu DSC và phân tích TGA khẳng định rằng, TiO2 và BP có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phân hủy màng LDPE.