Nguyễn Bích Hà Vũ1*, Võ Công Thành2
*Tác giả chính: Tel: 0918181475, Email: nguyenbichhavu@tgu.edu.vn
1Khoa Khoa học Cây trồng, Trường Đại học Cần Thơ
2Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ
Nghiên cứu sự thích nghi của cây lúa chống chịu mặn nhằm tìm hiểu những biểu hiện cấu trúc tế bào giúp cây mạ thích nghi với điều kiện mặn ở 12,50; 15,63; 18,75 và 21,88 dS/m trong dung dịch dinh dưỡng [1]. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức lô phụ với 2 lần lặp, lô chính gồm 5 nghiệm thức mức độ mặn và lô phụ là 5 giống lúa. Sau 8 ngày thử mặn, tiến hành đo độ mặn của giọt nước hình thành trên lá vào buổi sáng, quan sát lát cắt ngang mẫu lá và rễ, điện di protein ở rễ, bẹ lá và lá cây mạ. Kết quả cho thấy, nồng độ muối trên chóp lá của giống NQB mùa (chịu mặn) thấp hơn các giống còn lại (71,1 dS/m). Quá trình tẩm suberin và lignin ở rễ xảy ra nhanh khi trồng trong điều kiện mặn ở các giống. Đặc biệt ở vùng ngoại bì, sự tẩm suberin và lignin của các giống chống chịu mặn xảy ra ở vị trí 10 mm, trong khi ở giống IR28 là 25 mm. Hơn thế nữa, các giống lúa chống chịu mặn còn tăng tích lũy một số protein có trọng lượng phân tử 135,90 và 31,81 kDa ở bẹ lá và rễ; 115,58 kDa ở bẹ lá và 54 kDa ở lá.