Chế độ bản quyền (copyright) thường bị nhiều học giả chỉ trích vì đã dành sự bảo hộ mạnh mẽ cho tác giả và chủ sở hữu. Trên thực tế, đây là một trong những lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) mở rộng nhiều nhất về đối tượng từ sách báo, phim ảnh, hội họa, âm nhạc đến chương trình máy tính... Những đối tượng vốn thuộc phạm vi bảo hộ của các loại hình SHTT khác như kiểu dáng thiết kế của áo quần hay của một chiếc xe đạp, đặc biệt là khi độc quyền sáng chế đã hết hạn hay xa hơn nữa là mùi hương đều được đưa vào tầm ngắm của luật bản quyền. Vì vậy, để cân bằng lợi ích công cộng khác như quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận tri thức, luật bản quyền đã tạo ra những ngoại lệ và hạn chế đối với chủ sở hữu. Một trong số đó là chế định parody (nhại).
Bài viết thông qua hai vụ việc ở Liên minh châu Âu (EU - nghiêng về hệ thống dân luật) và Hoa Kỳ (hệ thống thông luật), sẽ phân tích cách tiếp cận khá khác biệt của hai khu vực tài phán lớn này. Nếu EU đã có sự bảo vệ mạnh mẽ đối với tác giả của tác phẩm gốc (thông qua vụ việc Deckmyn), Hoa Kỳ (thông qua vụ việc Leibovitz) sử dụng cách đánh giá khách quan hơn, không quan tâm nhiều lắm đến việc lập trường của tác giả gốc mà chủ yếu để đảm bảo quyền tự do ngôn luận - một quyền cơ bản quy định bởi Tu chính án thứ nhất. Không hẳn cách tiếp cận nào sẽ phù hợp với Việt Nam trong thời điểm hiện tại, nhưng ít nhất thực tiễn của EU và Hoa Kỳ sẽ giúp các nhà làm luật quốc gia bắt đầu suy nghĩ về parody nói riêng và trả lời một câu hỏi lớn hơn, đó là lợi ích công cộng đang nằm ở đâu trong quang phổ quyền tác giả?