Với văn hóa đọc (VHĐ) vấn đề không phải đọc bằng hình thức nào, đọc như thế nào mà quan trọng hơn cả là đọc được cái gì, tiếp thu được gì và vận dụng những tri thức đã đọc vào cuộc sống như thế nào. Đó cũng chính là định hướng để tìm ra giải pháp quan trọng nhất nhằm phát huy các giá trị của VHĐ, để VHĐ trường tồn cùng sự phát triển của loài người. Kết quả nghiên cứu về thực trạng VHĐ của thanh thiếu niên (TTN) tỉnh Bình Dương cho thấy những thay đổi đáng kể về VHĐ của nhóm TTN hiện nay, các hình thức đọc truyền thống đã dần nhường vị trí quan trọng cho Internet. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, ảnh hưởng của các nhóm bạn bè tới TTN trong việc đọc cao hơn so với gia đình hay thầy, cô giáo; áp lực từ những chương trình học quá tải cũng khiến cho thời gian tới thư viện, thời gian dành cho việc đọc của TTN giảm sút, nghĩa là nếu muốn cải thiện tình trạng VĐH của TTN không thể không tính tới các giải pháp giảm tải chương trình học. Cuối cùng nếu không có một thị trường đọc tốt, đa dạng về hình thức, phong phú và có chất lượng về nội dung thì chưa chắc việc TTN ít đọc đã là không tốt.