Thí nghiệm được thực hiện tại Trại đà điểu giống Kinh Môn - Hải Dương với mục đích xác định được tỷ lệ vỏ hạt đỗ xanh thích hợp trong khẩu phần thức ăn (KPTĂ) nuôi đà điểu sinh sản nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm dồi dào tại địa phương. Thí nghiệm được bố trí theo mô hình ngẫu nhiên hoàn toàn 1 nhân tố là 3 mức vỏ hạt đỗ xanh trong KPTĂ: 15%, 20%, 25% (theo tỷ lệ khối lượng của KPTĂ sử dụng), mỗi mức lặp lại 3 lần. Kết quả cho thấy: trong giai đoạn đẻ trứng, KPTĂ có tỷ lệ vỏ hạt đỗ xanh 20% cho năng suất trứng đạt cao nhất là 40,08 quả/mái, tỷ lệ trứng có phôi đạt 69,41%, tỷ lệ nở phôi đạt 69,49%, chi phí thức ăn để sản xuất đà điểu giống thấp nhất (395,5 nghìn đồng). Giai đoạn ngưng đẻ, KPTĂ có tỷ lệ vỏ hạt đỗ xanh 25% ảnh hưởng tốt đến quá trình tiêu mỡ giảm béo, đảm bảo thể trạng cơ thể đà điểu không béo, không gầy và khả năng phát dục đồng đều, chuẩn bị cho mùa sinh sản mới. KPTĂ có tỷ lệ vỏ hạt đỗ xanh 25% nuôi đà điểu giai đoạn ngưng đẻ có chi phí thức ăn tinh/con thấp nhất (1,014 triệu đồng).