Xử lý Asen trong các nguồn nước khác nhau trên thế giới luôn là một nhu cầu cấp thiết vì những tác động có hại của Asen đối với môi trường và sức khỏe con người. Nhiều phương pháp đã được đề nghị, trong đó hấp phụ là kỹ thuật được sử dụng nhiều nhất nhờ tính đơn giản trong vận hành. Tuy nhiên, tìm kiếm một loại vật liệu hấp phụ Asen vừa hiệu quả vừa có chi phí thấp, thân thiện với môi trường vẫn còn là một thách thức đối với các nhà khoa học. Để vượt qua các giới hạn trên, nhóm nghiên cứu của giáo sư Bin Gao, thuộc Phòng thí nghiệm trọng điểm hóa phân tích ứng dụng đời sống (Đại học Nam Kinh, Trung Quốc) hợp tác với Khoa Công nghệ sinh học và nông nghiệp (Đại học Florida, Hoa Kỳ) đã đề nghị sử dụng than sinh học phủ sắt (Fe) tổng hợp từ vỏ cây mai châu để tạo ra một loại vật liệu mới rẻ tiền, có khả năng hấp phụ Asen không thua kém các sản phẩm được điều chế bởi các quy trình phức tạp, chi phí cao.