Phan Đình Quang, Nguyễn Thúy Ngọc, Phùng Thị Vĩ, Nguyễn Thị Thu Nga, Nguyễn Thị Kim Thùy, Dương Hồng Anh, Phạm Hùng Việt, Lê Hữu Tuyến*
*Tác giả liên hệ: Tel: 0936577566; Email: lehuutuyen@gmail.com
Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững (CETASD), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ngày nhận bài: 16/12/2016; ngày chuyển phản biện: 19/12/2016; ngày nhận phản biện: 24/01/2017; ngày chấp nhận đăng: 26/01/2017
Tóm tắt:
Các hợp chất peflo hóa (PFCs) có tính chống thấm, chống cháy, được sử dụng phổ biến trong sản xuất các sản phẩm tiêu dùng có tính kháng bẩn, dầu mỡ và chữa cháy. Đây là những hợp chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs), trong đó axit peflooctansunphonic (PFOS) và các muối của nó đã được đưa vào Công ước Stockholm từ năm 2009. Các hợp chất PFCs trong 24 mẫu máu của một số loại cá như chép, trôi, mè và rô phi thu thập tại hồ Tây và hồ Yên Sở được chiết ghép cặp ion với tetrabutyl-ammoni hydro sulphat (TBA) kết hợp dung môi chiết metyl tert-butyl ete (MTBE) và xác định bằng thiết bị sắc ký lỏng ghép nối hai lần khối phổ (LC-MS/MS). Các hợp chất PFCs được phát hiện trong tất cả các mẫu máu cá ở cả hồ Tây và hồ Yên Sở. Hiệu suất thu hồi đối với 17 hợp chất PFCs đạt từ 70-121%, giới hạn phát hiện và giới hạn định lượng trong các mẫu tương ứng là 0,03 ng/ml và 0,1 ng/ml. Hàm lượng PFCs trung bình trong mẫu máu cá là 15,12 ng/ml (dao động từ 4,58 đến 28,61 ng/ml). Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng các hợp chất PFCs trong cá cao phản ánh đặc tính tan tốt và phân cực của các hợp chất PFCs. Các loại cá sống ở hồ Yên Sở tích lũy PFCs có xu hướng cao hơn hồ Tây và khả năng tích lũy các hợp chất này từ môi trường sống vào máu cá là rất đáng kể.