Thứ năm, 30/07/2020 08:15

Trong điều kiện tự nhiên, cây Riềng ấm (Alpinia Zerumbet (Pers)) chỉ phát triển ở một số khu vực, hạt khó nảy mầm. Nghiên cứu này nhằm đánh giá một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng nảy mầm của hạt Riềng ấm. Hạt Riềng ấm phơi khô được ngâm ủ ở các nhiệt độ và với lượng GA3 khác nhau cho tỷ lệ nảy mầm khác nhau. Ở nhiệt độ 400C, tỷ lệ nảy mầm đạt 75, 88, 87 và 86% tương ứng với các nồng độ GA3 là 5, 10, 20 và 30 ppm. Quá trình nảy mầm của hạt bắt đầu diễn ra từ ngày thứ 10 sau khi ủ và kết thúc vào ngày thứ 22. Hạt sau khi nảy mầm được gieo vào khay nhựa với giá thể là 80% đất phù sa sông Hồng + 20% phân vi sinh, cho tỷ lệ sống là 97%, chiều cao cây trung bình sau 45 ngày đạt 7,6-8,1 cm.

Thứ năm, 30/07/2020 08:10

Tai chua (Garcinia cowa Roxb.) là loài cây gỗ trung bình, có nhiều công dụng,  phân bố và phát triển tốt trên đất phản ứng chua, và khả năng trao đổi cation (CEC) trung bình. Tính chất của đất có tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng của loài cây này; khu vực có tầng đất dày, hàm lượng dinh dưỡng cao, độ ẩm và độ xốp cao thích hợp cho loài Tai chua sinh trưởng tốt. Kết quả nghiên cứu tại 3 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên) ở khu vực Tây Bắc cho thấy, đất nơi có cây Tai chua sống có hàm lượng đạm dễ tiêu dao động từ nghèo đến trung bình (3,8-6,51 mg/100 g); lân tổng số dao động từ mức khá đến giàu (0,12-0,21%); kali dễ tiêu và CEC trong đất ở mức trung bình, đạt 13,03-14,0 mg/100 g và 12,17-17,91 meq/100 g. Độ ẩm đất dao động 3.60-4,20%, tỷ trọng 2,72-2,75, dung trọng 1,14-1,22 và độ xốp 56,6-63,0% (khá xốp). Trong 3 tỉnh nghiên cứu, đất tại Hòa Bình có tầng dày hơn, hàm lượng đạm dễ tiêu và lân dễ tiêu cao hơn ở Sơn La và Điện Biên; cây Tai chua ở Hòa Bình sinh trưởng tốt nhất, kém nhất là tại Điện Biên,

Thứ năm, 30/07/2020 08:05

Nghiên cứu nhằm đánh giá năng suất sinh sản và một số yếu tố ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của lợn nái YVN1 và YVN2. Các chỉ tiêu về khả năng sinh sản được đánh giá đối với 35 nái YVN1 và 35 nái YVN2 qua 3 lứa đẻ (từ năm 2017 đến 2019).  Kết quả nghiên cứu cho thấy, yếu tố giống ảnh hưởng đến số con sơ sinh (SS)/ổ và số con sơ sinh sống (SSS)/ổ, ảnh hưởng rõ rệt đến số con cai sữa/ổ và khối lượng cai sữa/ổ. Yếu tố lứa đẻ ảnh hướng đến số con SSS/ổ và khối lượng SSS/ổ, ảnh hưởng rõ rệt đến số con cai sữa/ổ và khối lượng cai sữa/ổ. Lợn nái YVN1 và YVN2 có sinh lý phát dục bình thường với tuổi phối giống lần đầu tương ứng là 220,36 và 222,03 ngày, tuổi đẻ lứa đầu là 335,62 và 336,63 ngày. Năng suất sinh sản của lợn nái YVN1 và YVN2 đạt cao (YVN2 cao hơn YVN1). Lợn nái YVN1 và YVN2 lần lượt có số con SSS/ổ là 11,51 và 12,12 con, số con cai sữa/ổ là 10,92 và 11,71 con, số con cai sữa/nái/năm là 26,68 và 27,75 con, khối lượng SSS/ổ là 16,46 và 17,49 kg, khối lượng cai sữa/ổ là 70,41 và 75,81 kg. Năng suất sinh sản của cả lợn nái YVN1 và YVN2 tại lứa 1 đều thấp hơn so với lứa 2 và 3.

Thứ năm, 30/07/2020 08:00

Motif ankyrin (ANK) là một trong những motif protein lớn nhất trong giới tự nhiên và có vai trò sinh học đa dạng. Hai gen mã hóa protein miền ankyrin OsANK1, OsANK2 được xác định liên quan đến cấu trúc bông lúa thông qua nghiên cứu liên kết trên toàn hệ gen (GWAS) các tính trạng năng suất trên một quần thể lúa bản địa Việt Nam. Các cấu trúc polycistronic tRNA-gRNA (PTG) cho phép chỉnh sửa gen đa điểm được xây dựng nhằm nghiên cứu chức năng 2 gen OsANK1OsANK2 bằng công nghệ CRISPR/Cas9. Hai RNA dò (gRNA) được thiết kế để gây đột biến tại 2 điểm trong vùng exon 4 mã hóa motif ANK cho mỗi gen và được đưa vào cấu trúc PTG bằng công nghệ Golden Gate. Ít nhất một cấu trúc PTG đã được xây dựng thành công nhằm chỉnh sửa riêng rẽ từng gen OsANK1, OsANK2 hoặc đồng thời cả 2 gen.

Thứ năm, 21/05/2020 08:25

Chất lượng hạt và dầu hạt của 4 giống chè phổ biến tại Việt Nam là Trung du, Shan, PH1 và LDP1 được trồng tại 7 tỉnh (Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Trị, Lào Cai) đã được xác định. Tỷ lệ hạt/quả chè tươi dao động từ 52,66 đến 64,69% so với trọng lượng quả tươi, các thành phần hóa học trong hạt chè (hàm lượng protein, tro, lipit và polyphenol) ở các giống khác nhau có sự khác nhau, tuy nhiên ở các địa phương khác nhau trong cùng một giống thì chênh lệch không đáng kể. Nhìn chung, giống chè Shan trồng ở các địa phương khác nhau đều có hàm lượng lipit trong hạt cao (18,45-20,09%) nhưng tỷ lệ hạt/quả thấp (chỉ đạt khoảng 52,77%). Ngược lại, giống Trung du ở các tỉnh phía Bắc có tỷ lệ thu hồi hạt cao (khoảng 64,6%) và tỷ lệ chất béo trong hạt cũng tốt (18-20%). Chất lượng dầu được xác định qua các chỉ tiêu hóa lý (trị số peroxit, axit, iot, xà phòng hoá); các chỉ tiêu đánh giá khả năng kháng oxy hoá [polyphenol tổng số, khả năng bắt gốc tự do DPPH (thông qua chỉ số IC50), carotenoit tổng số] của tất cả 15 mẫu, thành phần axit béo được đánh giá ở một số mẫu phù hợp làm nguyên liệu thu nhận dầu hạt chè. Về chất lượng dầu, giống chè không ảnh hưởng có ý nghĩa đến thành phần hoá học và thành phần axit béo của dầu hạt chè. Tuy nhiên, khả năng bắt gốc tự do DPPH, hàm lượng carotenoit cao nhất ở các mẫu dầu hạt chè giống Shan, Trung du trồng ở Phú Thọ. Kết quả phân tích thành phần axit béo từ 3 mẫu dầu hạt chè (2 mẫu Trung du trồng tại Phú Thọ, Tuyên Quang và 1 mẫu giống Shan tại Yên Bái) cho thấy dầu hạt chè có chất lượng cao.

Thứ năm, 21/05/2020 08:20

Đậu nho nhe (Vigna umbellata) còn gọi là đậu gạo, là cây trồng thu hạt, cung cấp dinh dưỡng cho người và động vật, đồng thời là cây phân xanh phủ đất tốt cho vùng đồi núi. Cây, lá non và quả non được dùng làm rau xanh và hạt là nguyên liệu chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, do thay đổi canh tác và chỉ chú ý đến năng suất mà nhiều giống đậu bản địa quý bị mất dần, vì vậy đánh giá nguồn gen các giống đậu, trong đó có đậu Nho nhe làm cơ sở cho việc bảo tồn và khai thác có hiệu quả giống đậu quý này là rất cần thiết. Nghiên cứu trình bày kết quả đánh giá một số thành phần dinh dưỡng và hoạt động của enzyme protease, amylase trong giai đoạn hạt nảy mầm của 6 mẫu hạt đậu Nho nhe nhằm xác định thời điểm thích hợp cho chế biến các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và làm cơ sở chọn lọc phục vụ bảo tồn, phát triển nguồn gen giống đậu này. Kết quả nhận thấy, hoạt tính α-amylase và protease ở giai đoạn nảy mầm cao hơn nhiều so với giai đoạn hạt khô và khác nhau giữa các giống, cao nhất là giống NN14-ĐB đối với α-amylase và giống NN16-TP đối với protease. Hàm lượng protein cao nhất ở giai đoạn hạt khô và giảm dần khi hạt trương nước tối đa, hạt có rễ mầm và thân mầm; sự giảm hàm lượng protein trong hạt liên quan tới sự tăng hoạt tính protease. Hàm lượng lipit có trong hạt của 6 mẫu đậu Nho nhe dao động 0,68-0,95% và cao nhất ở mẫu NN18-LC (đạt 0,95%). Hàm lượng isoflavone trong mầm hạt đậu Nho nhe của các giống nghiên cứu rất thấp.

Thứ năm, 21/05/2020 08:11

Nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, sinh sản, ưu thế lai của vịt bố mẹ (CT12xCT34) từ 4 dòng vịt chuyên thịt CT1, CT2, CT3, CT4 mới chọn tạo tại Trạm nghiên cứu gia cầm Cẩm Bình thuộc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, bằng phương pháp lai kinh tế và bố trí phân lô ngẫu nhiên hoàn toàn một nhân tố. Kết quả cho thấy, khối lượng cơ thể ở 24 tuần tuổi của vịt trống CT12 đạt 4288,67 g, vịt mái CT34 đạt 3323,00 g, năng suất trứng/mái/42 tuần đẻ đạt 225,36 quả, ưu thế lai về năng suất trứng là 8,19%, tiêu tốn thức ăn (TTTĂ)/10 trứng là 3,98 kg, ưu thế lai về TTTĂ/10 trứng -5,61%, tỷ lệ phôi đạt 93,91%, ưu thế lai về tỷ lệ phôi là 1,24%, số vịt con loại 1/mái là 155,84 con.

Thứ năm, 21/05/2020 08:08

Nghiên cứu hiệu quả điều trị bệnh Gumboro của interferon gà tái tổ hợp (recombinant chicken interferon, rChIFN) khi sử dụng chỉ mỗi interferton alpha gà (ChIFN-α) hay có sự kết hợp với interferon gamma (ChIFN-γ) được thực hiện trên gà 3 tuần tuổi. Đầu tiên gà được công cường độc với virus Gumboro độc lực cao (1x105 ELD50 mỗi con) bằng cách nhỏ mắt, nhỏ mũi; sau 8 giờ xử lý với virus, gà được điều trị bằng cách nhỏ mắt và nhỏ mũi với rChIFN ứng với một trong 6 nhóm nghiệm thức. Nhóm sử dụng rChIFN-α 100 µg/con, tỷ lệ gà được bảo hộ là 56,67%, tỷ lệ sống là 93,33%; nhóm sử dụng rChIFN-α 100 µg/con kết hợp rChIFN-γ (1 µg/con) tỷ lệ gà được bảo hộ là 70,00%, tỷ lệ sống là 93,33%; nhóm sử dụng rChIFN-α 10 µg/con tỷ lệ gà được bảo hộ là 36,67%, tỷ lệ sống là 80,00%; nhóm sử dụng rChIFN-α 10 µg/con kết hợp rChIFN-γ (1 µg/con) tỷ lệ gà được bảo hộ là 53,33%, tỷ lệ sống là 86,67%. Trong khi đó, nhóm đối chứng dương (gà nhiễm virus, không được điều trị), gà không được bảo hộ (tỷ lệ nhiễm bệnh là 100%) và tỷ lệ sống chỉ đạt 60,00%; đối chứng âm (gà không nhiễm virus, không xử lý với rChIFN) gà hoàn toàn không nhiễm bệnh và tỷ lệ sống 100%. Kết quả này cho thấy, sử dụng rChIFN-α làm tăng tỷ lệ bảo hộ, tỷ lệ sống khi gà bị nhiễm bệnh Gumboro theo nồng độ sử dụng. Đồng thời sử dụng rChIFN-α kết hợp rChIFN-γ đã làm tăng hiệu quả điều trị so với sử dụng chỉ mỗi rChIFN-α.

Thứ năm, 21/05/2020 08:05

Từ các mẫu đất thu tại vùng chuyên canh cây nghệ vàng (Curcuma longa L.) ở Hưng Yên, nhóm nghiên cứu đã phân lập được 9 chủng vi khuẩn có khả năng hòa tan phosphate vô cơ. Trong số các chủng phân lập, PGP-V5, PGP-V20 và PGP-V21 được xác định có khả năng sinh chất kích thích sinh trưởng thực vật IAA (indole acetic acid) với hàm lượng 63,11-73,87 ppm. Bằng phương pháp sinh học phân tử kết hợp với nghiên cứu các đặc điểm sinh lý, sinh hóa, đã xác định được vị trí phân loại học của các chủng lựa chọn, lần lượt là Bacillus sp. PGP-V5, Enterobacter sp. PGP-V20 và Bacillus sp. PGP-V21. Đặc biệt, qua thử nghiệm trên đĩa thạch, chủng Bacillus sp. PGP-V21 còn biểu hiện khả năng kháng nấm gây bệnh thực vật Aspergillus nigerFusarium oxysporum. Vì vậy có thể nói, kết quả sàng lọc và nghiên cứu đặc tính các chủng vi khuẩn vùng rễ kích thích sinh trưởng đạt được sẽ là cơ sở cho việc tạo ra chế phẩm sinh học hiệu quả và an toàn không chỉ cho cây nghệ vàng C. longa mà còn cho một số cây trồng tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Thứ năm, 21/05/2020 08:00

Cordyceps militaris là một loài nấm dược liệu quý và đã được chứng minh là có chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe, như adenosine, cordycepin, pentostatin, polysaccharide, carotenoid. Do đó, loài nấm này gần đây được coi là mô hình triển vọng để nghiên cứu cơ chế phân tử của quá trình hình thành quả thể và sinh tổng hợp các chất có hoạt tính sinh học. Phát triển các hệ thống chuyển gen hiệu quả ở C. militaris sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nghiên cứu cải biến di truyền loài nấm dược liệu này. Trong nghiên cứu hiện tại, một chủng C. militaris thu thập tại Việt Nam được định danh chính xác về mặt phân loại dựa trên các đặc điểm hình thái và giải trình tự cùng ITS của rDNA. Chủng này được đặt tên là C. militaris G12 và được sử dụng để nghiên cứu chuyển gen. Chủng C. militaris G12 được đánh giá về mức độ mẫn cảm với ba loại kháng sinh phổ biến dùng trong chuyển gen là hygromycin, nourseothricin và phleomycin. Kết quả cho thấy chủng C. militaris G12 chỉ bị ức chế bởi hygromycin ở nồng độ 200 μg/ml. Hiệu quả chuyển gen vào chủng C. militaris G12 nhờ vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens với marker chọn lọc là gen kháng hygromycin đạt trung bình 800 thể chuyển gen/106 bào tử. Việc chuyển thành công gen chỉ thị DsRed GFP vào hệ gen của C. militaris G12 đã được xác nhận bằng PCR với các cặp mồi đặc hiệu.

1 2 3 4 5 ... 18